"Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" in lần thứ 10

20/08/2023 20:03

Bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Đổng Chi được phát hành đủ 5 tập kèm minh họa sinh động.

Bộ sách được hiệu chỉnh một số sai sót so với chín lần in trước. Phần ghi âm tiếng Việt tên quốc gia, dân tộc và tên người nước ngoài được thay bằng tên nguyên gốc, với các ngôn ngữ không dùng chữ Latin thì thay bằng chuyển tự Latin. Cuối bộ sách là "Bảng tra cứu tên truyện" xếp theo thứ tự ABC.

Ngoài ra, bản mới có minh họa của các hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân. Một số bài viết về thân thế, sự nghiệp giáo sư Nguyễn Đổng Chi cũng như nghiên cứu về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được bổ sung nhằm giúp người đọc hiểu thêm về tác giả và công trình ông để lại.


Đông A liên kết Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành 2.000 bản bìa mềm "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", gồm 5 tập đóng hộp. Ngoài ra, có 2.000 bản bìa cứng, trong đó phiên bản bìa cứng phổ thông, bản giới hạn và bản đặc biệt sắp ra mắt bạn đọc

Bộ sách được chia thành ba phần chính. Phần thứ nhất (in ở đầu tập một) giúp bạn đọc hiểu về bản chất truyện cổ tích, cách phân loại truyện cổ, phân biệt truyện cổ tích với truyền thuyết, lịch sử và tiểu thuyết. Giáo sư chia truyện cổ tích thành ba loại: Cổ tích thần kỳ, cổ tích lịch sử và cổ tích thế sự. Từ những năm 1960, các giáo trình ở một số đại học trong nước đã đề cập và phân loại truyện cổ tích Việt Nam theo cách của giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Qua đó, độc giả có thể hiểu thêm về lai lịch của truyện cổ tích, vũ trụ quan của cổ tích, quá trình hình thành truyện cổ tích, tác giả truyện cổ tích.

Phần thứ hai, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chiếm dung lượng lớn, dành cho đông đảo bạn đọc đại chúng. Tác giả sưu tầm, nghiên cứu và chọn 201 truyện cổ tích kể lại cho bạn đọc, như: Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu, cau, vôi, Thạch Sanh, Thánh Gióng, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính.

201 truyện được sắp xếp theo các chủ đề: Nguồn gốc sự vật, Sự tích đất nước Việt, Sự tích các câu ví, Thông minh tài trí và sức khỏe, Sự tích anh hùng nông dân, Truyện phân xử, Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép, Truyện đền ơn trả oán, Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ, Truyện vui tươi dí dỏm. Cuối mỗi truyện có phần Khảo dị, nêu xuất xứ của truyện, so sánh, đối chiếu với các dị bản khác, mở rộng tầm nhìn của độc giả về thế giới cổ tích phong phú.

Phần thứ ba (in ở cuối tập năm) là những nhận định tổng quát của tác giả về truyện cổ tích Việt Nam, đúc rút qua một số đặc điểm như: Thấm đẫm chất liệu đời sống xã hội Việt cổ, là biểu trưng nghệ thuật của cái hiền hòa, nhân ái hay tính chừng mực trong tâm lý dân tộc, Loại truyện sinh hoạt chiếm tỷ lệ cao, Tính cách phê phán hiện thực khá đậm nét, Một mảng truyện nêu bật vai trò tích cực của nhân vật nữ. Ông cũng đi tìm nguồn gốc truyện cổ tích Việt Nam qua các nghiên cứu: Các trường phái cổ tích học, Bước đầu xác định nguồn gốc và cấu trúc bản địa của truyện cổ tích Việt Nam.

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do giáo sư Nguyễn Đổng Chi biên soạn gồm 5 tập, lần lượt ra mắt độc giả từ năm 1957 đến 1982. Qua 25 năm, bộ sách được độc giả mọi độ tuổi yêu thích, đón nhận tích cực. Sau khi tập 5 ra mắt năm 1982, giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã chỉnh lý kỹ cả 5 tập, nhằm chuẩn bị cho lần in đầy đủ sau này. Bộ sách cũng được trích dịch ra tiếng Nhật từ sớm và được nhiều học giả quốc tế biết đến.

Tiến sĩ Lê Văn Hảo cho rằng giáo sư Nguyễn Đổng Chi, với tư chất của một nhà văn, đã ghi lại trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và cảm động của người kể chuyện và nhà thơ dân gian. Còn Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Chung Anh nhận định hơn 200 truyện trong bộ sách là "Kho tàng mang rõ nét tâm hồn Việt Nam, kết tinh những gì tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt Nam, qua phong cách kể chuyện truyền cảm, sinh động, dí dỏm".

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Huế cho rằng những nhận định của ông Nguyễn Đổng Chi về truyện cổ tích đều có ý nghĩa học thuật cao: "Đó thực sự là những đóng góp quan trọng, những gợi mở giúp cho giới nghiên cứu folklore Việt Nam đi dần tới việc nắm bắt đúng đắn đặc trưng thể loại cổ tích - đối tượng nghiên cứu rộng lớn phong phú và cũng là phức tạp nhất trong các thể loại văn học dân gian Việt Nam".

Lần in trọn bộ gần đây nhất là lần thứ 9, Nhà xuất bản Trẻ in năm 2015 dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác giả Nguyễn Đổng Chi. Trước đó, bản in trọn bộ lần thứ 8 được Nhà xuất bản Giáo dục in năm 2000.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" in lần thứ 10