Khó quản lý chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2

03/03/2022 11:13

Việc xử lý chất thải của bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà dù đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.


Phần lớn gia đình có người mắc Covid-19 và các trường hợp là F1 vẫn để rác ra ngoài khi chưa xử lý bảo đảm quy định

Hướng dẫn cụ thể

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã cho phép người mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ và đủ điều kiện được điều trị tại nhà. Các trường hợp là F1 cũng được cách ly tại nhà theo quy định. Cùng với hướng dẫn về chuyên môn y tế, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hướng dẫn cụ thể về việc xử lý chất thải nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết ngày 10.1, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã ban hành hướng dẫn việc quản lý, xử lý chất thải phát sinh trong thời gian điều trị, cách ly tại nhà cho bệnh nhân mắc Covid-19 và trường hợp F1 phù hợp điều kiện của tỉnh. Sở đã hướng dẫn chi tiết về cách xử lý nước thải, việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Chính quyền địa phương sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, số lượng người cách ly, điều trị tại nhà, nơi cư trú để lên phương án bố trí các địa điểm tập trung chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 cho phù hợp, thuận tiện việc thu gom, vận chuyển đi xử lý.

Theo hướng dẫn, toàn bộ nước thải của gia đình phải được thu vào hố ga hoặc có thể sử dụng thùng, can nhựa và phải được khử trùng, khử khuẩn trước khi thoát, thải ra môi trường. Thực hiện khử trùng, khử khuẩn nước thải tại rãnh thoát, hố ga, điểm xả nước thải ra môi trường bằng vôi bột, hóa chất khử trùng với tần suất tối thiểu 2 lần/ngày. Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có nắp đậy, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, rác thải sinh hoạt có dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Chất thải phát sinh từ phòng cách ly tại nhà, nơi cư trú phải bỏ vào túi nilon, xịt cồn 70 độ để khử trùng. Trong thời gian cách ly phải phun khử trùng toàn bộ trang thiết bị, vật dụng trong phòng cách ly theo quy định và thu gom tất cả các loại chất thải từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm. UBND cấp huyện chỉ đạo phòng, ban liên quan và UBND cấp xã kiểm tra, nhắc nhở gia đình có người cách ly tại nhà thực hiện thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng; liên hệ với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh để thu gom, xử lý kịp thời.

Để chủ động xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 10.2, UBND tỉnh giao Sở TNMT thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ TNMT và UBND tỉnh trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động phòng chống, điều trị người bệnh Covid-19…



Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn cụ thể việc xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng

Phụ thuộc ý thức người dân

Qua tìm hiểu thực tế, việc thực hiện các quy định, hướng dẫn trong quản lý, xử lý chất thải của người bệnh Covid-19 và những người là F1 điều trị, cách ly tại nhà còn gặp khó khăn. Nhiều gia đình vẫn thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 như chất thải thông thường. Anh N.T.D. ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đang điều trị Covid-19 tại nhà cho biết rác thải sinh hoạt của anh và gia đình vẫn được treo ở cổng nhà như ngày thường. Sáng sớm, xe chở rác đến thu gom như các gia đình khác. Anh D. nói: “Mặc dù không được phun khử khuẩn theo quy định nhưng gia đình tôi chủ động bọc rác trong 2 túi nilon”.

Thực tế hiện nay tại các địa phương, việc đôn đốc, nhắc nhở, giám sát thu gom, xử lý chất thải của bệnh nhân Covid-19 và trường hợp F1 điều trị, cách ly tại nhà phần lớn được giao cho đơn vị y tế và tổ "Covid cộng đồng". Dù vậy, do số lượng F0 và F1 liên tục tăng nhanh khiến các lực lượng này bị quá tải. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Phong (Nam Sách) chia sẻ, hiện toàn xã có khoảng 400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà. Trạm có 4 người nên việc bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn là chăm sóc, điều trị cho F0 cũng gặp nhiều khó khăn. Trạm đã hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà cách thu gom, xử lý sơ bộ chất thải nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc vào sự tự giác, ý thức của người dân.

Qua tìm hiểu của phóng viên, việc xử lý chất thải cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các trường hợp F1 điều trị, cách ly tại nhà phần lớn không bảo đảm đúng quy định. Nhiều người cho rằng không ai biết trước mình sẽ mắc Covid-19 nên không chủ động chuẩn bị trước các thùng chứa rác, dung dịch khử khuẩn chất thải, nước thải tại nhà... Có địa phương bố trí điểm tập trung rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nhưng lại ở xa, không thuận tiện. Bên cạnh đó, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca bệnh tăng nhanh, các địa phương đã huy động các lực lượng dồn lực ưu tiên cho công tác xét nghiệm, điều trị, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho F0, F1. Ngân sách địa phương phục vụ công tác phòng dịch còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí cho công tác xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 gặp không ít khó khăn.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó quản lý chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2