Khó phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP

15/06/2017 06:07

Nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các hộ nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định nhưng trên thực tế không dễ mở rộng mô hình này.



Giá cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và nuôi thường chưa có sự khác biệt nên người nuôi còn ngần ngại

Ông Nguyễn Trung Tựu ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) là một trong số ít hộ nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nuôi cá lồng từ năm 2010, nhưng 4 năm sau ông mới bắt đầu tìm hiểu để chuyển từ mô hình nuôi cá lồng thường sang hướng VietGap. "Năm 2014, phong trào nuôi cá lồng phát triển rầm rộ, nhiều hộ nuôi tự phát nên thị trường tiêu thụ bắt đầu gặp khó. Tôi liền nuôi các loại cá trắm, chép giòn, cá lăng, điêu hồng theo hướng VietGAP. Từ đó, các sản phẩm của tôi tiêu thụ được ổn định hơn", ông Tựu cho biết.

Để bảo đảm chất lượng cá lồng, ông Tựu đầu tư 7 ha ao nuôi cá giống. Cá giống trước khi thả đều được kiểm định chất lượng, bảo đảm không trầy xước, bong vẩy, kích thước đồng đều và không mắc bệnh. Thức ăn cho cá là cám công nghiệp của các hãng sản xuất uy tín. Trong suốt quá trình nuôi thả, các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi đều được giám sát chặt chẽ. Khi phòng bệnh cho cá, ông Tựu hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh. Hiện tại, ông có hơn 100 lồng cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm cá lồng của ông đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Sắp tới, ông còn ký hợp đồng cung cấp cá cho Trung tâm Phân phối nông sản, thực phẩm sạch ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông Tựu cũng cho biết mặc dù cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP có thị trường tiêu thụ ổn định nhưng do giá không chênh nhiều so với cá lồng nuôi thường nên người nuôi gặp khó khăn.

Gia đình bà Mạc Thị Múc ở thôn Đồng Ngọ, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) có 130 lồng nuôi cá trên sông nhưng chỉ có 30 lồng được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Cá nuôi theo hướng này đều là các loại cá có chất lượng cao như trắm giòn, chép giòn, cá lăng chấm... Thị trường bà hướng tới là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhưng hiện nay, các sản phẩm cá lồng nuôi theo hướng VietGAP của bà Múc vẫn tiêu thụ trôi nổi, không khác so với cá lồng nuôi thường.

"Nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP tốn nhiều chi phí hơn so với nuôi cá lồng thường. Nguyên nhân do cá nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn này phải sử dụng 100% cám công nghiệp của công ty uy tín, bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, giá nhiều loại cá đều giảm từ 10-15% so với năm trước. Để tiết kiệm chi phí, ngoài cám viên tôi còn tận dụng thêm cỏ hoặc các loại cá tạp, cá chết để làm thức ăn cho các lồng cá thường", bà Múc nói.

Giá cá lồng giảm, thương lái chậm thu mua khiến ông Đào Văn Đại ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) nhiều lần muốn áp dụng mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP để cá tiêu thụ ổn định, nhưng ông vẫn ngần ngại. Hiện tại, các lồng cá thường của ông vẫn sử dụng cỏ và cá tạp làm nguồn thức ăn chính. Ông thường chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho giai đoạn đầu và khi nuôi vỗ béo cá bởi chi phí thức ăn quá cao.

Ông Đại cho biết: "Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP thì nguồn thức ăn rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng của thịt cá. Cám phải không có chất tăng trọng, dư lượng kháng sinh... Nhưng hiện nay, các công ty cám vẫn chưa dám bảo đảm chất lượng cám cho người nuôi. Hơn nữa, các chi phí và thủ tục để đăng ký tiêu chuẩn VietGAP vẫn rườm rà, tốn kém".

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, Hải Dương có số lồng nuôi cá lớn nhất khu vực miền Bắc với khoảng 2.944 lồng, tổng thể tích lồng nuôi đạt 317.952 m3. Tuy nhiên, phần lớn các lồng nuôi cá vẫn được mở ra tự phát, không theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Phạm Văn Tình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Hiện nay, thị trường vẫn chưa có sự phân biệt giữa các sản phẩm cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và nuôi thường. Chi phí đăng ký cho lồng nuôi cá theo tiêu chuẩn này tốn kém nên người nuôi cũng còn ngần ngại".

Để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho cá lồng, các hộ nuôi cần nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Có như vậy, sản phẩm cá lồng của Hải Dương mới tạo được uy tín, thương hiệu và dần có chỗ đứng ổn định trên thị trường, tránh tình cảnh "lộ cộ" người nuôi bị thua lỗ như hiện nay.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP