Khó nhân rộng môn khí công dưỡng sinh cho người cao tuổi

17/01/2021 19:01

Khí công dưỡng sinh là môn tập phù hợp với người cao tuổi, giúp duy trì, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, việc nhân rộng phong trào này hiện gặp nhiều khó khăn.


Lớp khí công dưỡng sinh Đặng Quốc Trinh (TP Hải Dương) ngày càng khó thu hút thành viên tham gia

Giúp nâng cao sức khỏe

Khoảng 20 năm trước, bà Đoàn Thị Phiếm ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) bắt đầu tập luyện khí công dưỡng sinh (KCDS). Hiện bà Phiếm là thành viên tích cực của lớp KCDS tập vào các buổi sáng tại Câu lạc bộ Hưu trí Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Suốt 20 năm qua, chỉ khi có việc đặc biệt bà Phiếm mới không đi tập. Mấy hôm nay do thời tiết lạnh, lớp của bà Phiếm tạm nghỉ, các thành viên tự luyện tập ở nhà để không bị ngắt quãng.

Sở dĩ bà Phiếm chọn và gắn bó với KCDS vì theo bà môn này có nhiều lợi ích, đặc biệt đối với người cao tuổi (NCT). Động tác của các bài tập KCDS nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít làm người tập bị chấn thương. Mỗi bài tập là một quy trình khép kín giúp NCT chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. Có thời điểm bà Phiếm ngã, bị thương ở chân. Sau đó cùng với điều trị y học kết hợp tập luyện KCDS đều đặn, chân của bà phục hồi tốt, ngoài dự đoán của bác sĩ. Khi tham gia lớp tập, bà cùng các thành viên còn có cơ hội giao lưu, chia sẻ nhiều vấn đề, tạo thêm niềm vui trong cuộc sống.

Mấy năm trước, ông Lê Văn Ái (70 tuổi) ở phố Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) đi khám phát hiện bị suy tim nhẹ, mỡ máu và huyết áp đều cao so với bình thường. Ông Ái đã kiên trì luyện tập KCDS trong suốt 3 năm qua, kết hợp với ăn uống điều độ theo khuyến cáo của bác sĩ. Đến nay, ông Ái cho biết các vấn đề về sức khỏe của mình đều được cải thiện tích cực. Đặc biệt nhờ luyện tập KCDS mà ông ngủ ngon hơn, tinh thần vui vẻ, thoải mái. 

Bà Phạm Thị Xuân Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh cho biết KCDS là phương pháp cổ truyền của dân tộc. Luyện tập KCDS đúng phương pháp, đều đặn hằng ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt trong phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Nó còn có tác dụng giúp phục hồi các rối loạn chức năng cơ thể, hỗ trợ việc dùng thuốc và các phương pháp y học để điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Thiếu hướng dẫn viên

Tuy có nhiều lợi ích đối với sức khỏe NCT nhưng hiện nay môn tập này vẫn khó lan tỏa trong cộng đồng. Phong trào luyện tập KCDS có ở Hải Dương từ năm 1994, do Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ Hưu trí Nguyễn Trãi tổ chức. Đến ngày 26.12.2014, UBND tỉnh có quyết định thành lập Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh. Ngày đầu thành lập, câu lạc bộ có 13 lớp tập, phân bổ ở 5 phường của TPHải Dương. Sau 6 năm, đến nay câu lạc bộ chỉ phát triển được 20 lớp ở 9 phường, xã của TP Hải Dương và một số huyện. Phong trào đã phát triển về các huyện nhưng chỉ manh nha ở một số địa bàn như Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành, Thanh Hà... những nơi có hướng dẫn viên, cán bộ nòng cốt của Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh. Hội viên của các câu lạc bộ chủ yếu là người nghỉ hưu, ít có NCT thuộc thành phần khác tham gia.  

Việc duy trì sinh hoạt của các lớp tập cũng gặp nhiều khó khăn. Thời kỳ mới thành lập, lớp KCDS Đặng Quốc Trinh (TP Hải Dương) thu hút gần 100 hội viên, chủ yếu là NCT trên địa bàn. Đến nay, lớp tập chỉ còn hơn 30 người. Nguyên nhân chính do nhiều cụ tuổi đã cao không thể tham gia. Nhiều NCT dù muốn tập nhưng lại vướng bận việc chăm sóc cháu nhỏ nên đành bỏ bê. Mặt khác, nhiều NCT chưa nhận thức hết ý nghĩa của KCDS nên không tham gia. Vì vậy, lớp tập thiếu tầng lớp kế cận. Bên cạnh đó, do không có địa điểm tập luyện nên ban chủ nhiệm lớp cũng không mấy mặn mà kết nạp thành viên mới.

Theo bà Phạm Thị Xuân Dung, đối với Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh, khó nhất hiện nay để phát triển phong trào là không có kinh phí hoạt động, không có địa điểm để sinh hoạt, hội họp, không có các phương tiện cần thiết phục vụ huấn luyện. Cán bộ thì thiếu và yếu không đến được các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Việc mở các khóa huấn luyện ngắn ngày tại các địa phương cũng khó thực hiện vì thiếu hướng dẫn viên. Bởi vậy, dù biết nhu cầu tiếp cận môn KCDS của nhân dân rất nhiều nhưng những cán bộ của Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh gần như "lực bất tòng tâm".

Sở Y tế với vai trò quản lý của Câu lạc bộ KCDS dân tộc tỉnh cần có những đánh giá chính xác về hiệu quả của phương pháp này đối với sức khỏe người dân nói chung, NCT nói riêng. Từ đó có biện pháp cụ thể để nhân rộng phong trào trong tỉnh. Các địa phương có sự quan tâm đúng mức, tạo điều kiện về sân luyện tập, địa điểm sinh hoạt cho NCT tham gia các lớp tập KCDS thường xuyên. Bản thân mỗi NCT cần quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, lựa chọn và dành thời gian thỏa đáng cho việc luyện tập để sống theo đúng tinh thần "sống vui - sống khỏe - sống có ích"...

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Khó nhân rộng môn khí công dưỡng sinh cho người cao tuổi