Chính trị

Khó khăn vì đến kỳ trả nợ nhưng bất động sản vẫn đóng băng

PHONG TUYẾT 24/10/2023 17:03

Sáng 24/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia phiên thảo luận tổ đầu tiên tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

z4813206455500_8bb3d406bbe5b0f84935cbca927e89ab-1-.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (bên trái) thảo luận tại tổ 14 cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng

Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ 14 cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội 2 tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa.

Sáng nay, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024...

z4813206456955_1831dcc1ce0c17449e3f92e53e525d31(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc tiếp cận tín dụng hiện khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Tham gia thảo luận về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng việc tiếp cận tín dụng hiện khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Vấn đề này sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn vì hiện nay các nguồn vốn cho vay bất động sản đã đến kỳ trả nợ nhưng các giao dịch bất động sản gần như đóng băng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể xử lý nợ xấu để bảo đảm tăng trưởng vĩ mô. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn giải pháp cho tình trạng này.

Quản chặt chất lượng, giá cả khi xã hội hóa giáo dục

z4813206442380_339b125a037f6985dc3d55b460d0fcaa(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị đẩy mạnh thu hút xã hội hóa giáo dục. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho biết nhu cầu thu hút xã hội đầu tư để mở rộng, bổ sung các cơ sở giáo dục chuẩn chất lượng quốc tế rất lớn, nhất là ở các đô thị. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nguồn kinh phí để đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Yêu cầu cấp thiết là Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

Để tiếp tục thúc đẩy xã hội hoá giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý và thực hiện hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục.

z4813206438158_ce70fb32d8445b6abc8f18356a064369(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục. Mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo. Tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển giáo dục, điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục, giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó khăn vì đến kỳ trả nợ nhưng bất động sản vẫn đóng băng