Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ có 2 tiêu chí thuộc các thiết chế văn hóa, nhưng cũng đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều nơi trong tỉnh.
Nhà văn hóa của Làng văn hóa An Vệ, xã Đức Xương (Gia Lộc)
hiện không đáp ứng tiêu chí chuẩn nông thôn mới
Đức Xương là một trong 6 xã của huyện Gia Lộc được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Xã có 3 thôn trong đó 2 thôn An Vệ, An Cư đã đạt danh hiệu làng văn hóa. Riêng thôn Thọ Xương đã 5 năm nay phấn đấu xây dựng danh hiệu nhưng chưa đạt. Theo bộ tiêu chí NTM, xã đạt NTM phải có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Xét ra Đức Xương mới có 66% số thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa nên để đạt tiêu chí NTM, Thọ Xương phải trở thành làng văn hóa.
Bên cạnh đó, khi xây dựng NTM, cơ sở vật chất văn hóa của các thôn đã được công nhận danh hiệu làng văn hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Khi được công nhận danh hiệu làng văn hóa, nhà văn hóa thôn An Vệ, xã Đức Xương (Gia Lộc) được sửa sang từ ngôi nhà cấp 4 xây từ thời bao cấp, diện tích nhỏ hẹp. Sân thể thao vì nằm lọt giữa làng nên diện tích cũng khiêm tốn. Theo tiêu chí xã NTM phải có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn như diện tích đất khu nhà văn hóa từ 500m2 trở lên, diện tích khu thể thao từ 2.000m2 trở lên... thì nhà văn hóa thôn An Vệ không đạt tiêu chuẩn. Để đáp ứng, xã chỉ đạo thôn An Vệ quy hoạch xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao ra khu đất mới đầu làng. Nhưng đối với một thôn thuần nông như An Vệ để xây dựng được những công trình này không phải dễ. Anh Phạm Công Điệp, cán bộ văn hóa xã Đức Xương cho biết, nhà văn hóa, khu thể thao ở các thôn được công nhận làng văn hóa hiện không đáp ứng được tiêu chí NTM. Ngoài ra, sự xuống cấp, thiếu thốn của hệ thống trang thiết bị trong nhà văn hóa như: trang âm, bàn ghế, tủ sách, bảng tin, dụng cụ thể thao... cũng là áp lực rất lớn cho xã trong xây dựng NTM.
Đất dành cho xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao của xã Tân Hồng đã có
nhưng nguồn kinh phí lại là bài toán khó
Song vướng mắc lớn nhất về thiết chế văn hóa trong xây dựng NTM hiện nay chính là trung tâm văn hóa, thể thao xã (theo tiêu chí, nhà văn hóa đa năng có diện tích 1.000m2, sân thể thao phổ thông 10.800m2). Tân Hồng là một trong 5 xã của huyện Bình Giang được chọn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Đến nay đã có 3 trong số 4 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Các thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao, trang thiết bị nhà văn hóa đạt chuẩn NTM. Hương ước, quy ước, quy định việc cưới, việc tang… được các làng hoàn thiện từ năm 2003 và nghiêm túc thực hiện. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đứng tốp đầu huyện. Tuy nhiên, khi xây dựng NTM xã lo nhất là khu trung tâm văn hóa, thể thao xã. Hiện nay, hoạt động sinh hoạt văn hóa, chính trị đều tập trung ở hội trường cấp 4 nhỏ hẹp. Trong quy hoạch NTM, xã đã dành diện tích hơn 34 nghìn m2 để xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao xã, trong đó có các công trình chính: nhà văn hóa đa năng, sân thể thao, bể bơi… Đất đã có, nhưng thiếu kinh phí. Để xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao xã, Tân Hồng cần có khoảng 15 tỷ đồng. Đây là một số tiền quá lớn so với ngân sách eo hẹp của xã. Đó là chưa kể trong quá trình xây dựng NTM, nhiều hạng mục khác cũng đòi hỏi kinh phí không kém. Ông Dương Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng cho biết: “Chúng tôi đã tính đến việc huy động nguồn lực trong dân, song cũng chỉ được phần nào và tập trung vào đầu tư hạ tầng tại cơ sở là chính. Nguồn kinh phí mà xã tính đến là đấu thầu đất khu dân cư trung tâm”. Ông Phạm Đăng Vích, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh khẳng định: "Đến nay, tỉnh ta chưa có xã nào có trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn".
Tỉnh ta hiện có 878 trong tổng số 1.431 làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm 61%. Được công nhận đã khó, nhưng duy trì, giữ vững danh hiệu không phải chuyện dễ dàng. Trong những năm qua đã có không ít làng, khu dân cư văn hóa do không duy trì được đã bị tước danh hiệu. Có 12 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã "trắng" làng, khu dân cư văn hóa. Rõ ràng đây là thách thức không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM. Nếu các địa phương không tích cực phấn đấu thì tiêu chí làng văn hóa rất khó đạt. Nhưng nếu không nghiêm khắc mà chạy theo thành tích thì việc công nhận danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa sẽ rơi vào tình trạng qua loa, đại khái, dễ bị tước danh hiệu.
Tỉnh ta sẽ tiến hành quy hoạch và xây dựng NTM trên toàn bộ 229 xã. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 phấn đấu xây dựng 58 xã; đến năm 2020 có 137 xã trên tổng số 229 xã đạt chuẩn NTM… Để khắc phục những khó khăn trong xây dựng thiết chế văn hóa, mỗi địa phương cần sáng tạo, linh hoạt trong cách làm, tìm tòi cách tháo gỡ, đặc biệt người nông dân phải là chủ thể chính đi đầu trong xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
NGỌC HÙNG