Khó khăn trong điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng

17/05/2012 08:05

Tình trạng bệnh nhân tâm thần thường tái phát bệnh bấtngờ, khó kiểm soát dẫn đến việc quản lý, điều trị ngoại trú còn nhiều khó khăn.



Việc điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn

Sau khi điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, các bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn động kinh tâm thần... (gọi chung là bệnh nhân tâm thần) được đưa về điều trị ngoại trú tại cộng đồng, duy trì việc uống thuốc đến cuối đời. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân tâm thần thường tái phát bệnh bất ngờ, khó kiểm soát dẫn đến việc quản lý, điều trị ngoại trú còn nhiều khó khăn.

Tỉnh ta hiện còn 110 xã, phường, thị trấn với hơn 3.000 bệnh nhân tâm thần chưa nằm trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng. Các nơi này vẫn thực hiện theo mô hình cũ, sử dụng kinh phí của địa phương chỉ cấp 1 loại thuốc (thuốc tâm thần phân liệt Aminazin hoặc thuốc động kinh Gacdenal) dẫn đến hiệu quả điều trị còn nhiều hạn chế; việc chăm sóc, quản lý người bệnh bị buông lỏng.


Theo chị Đoàn Thị Thanh Phương, cán bộ Trạm Y tế xã Ái Quốc (TP Hải Dương), xã hiện có 29 bệnh nhân đang điều trị ngoại trú, trong đó có 11 người động kinh, 15 người tâm thần phân liệt và 3 người rối loạn động kinh tâm thần, nhưng chỉ có 1 cán bộ phụ trách. Thực tế, việc quản lý, điều trị những bệnh nhân này chủ yếu dựa vào gia đình. Hằng tháng, trạm y tế cấp thuốc, người nhà bệnh nhân đến nhận và cam kết cho bệnh nhân uống thuốc đúng quy định. Tuy nhiên, do đặc thù của bệnh nhân tâm thần không ổn định, có người thường xuyên bỏ nhà đi dẫn đến việc uống thuốc không đúng theo chỉ định, khiến cho tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng. Điển hình như trường hợp anh Cao Văn Tươi ở thôn Tiền Hải (42 tuổi) thường đi lang thang nên việc điều trị bị ngắt quãng. Cách đây 2 năm, anh Tươi không còn ý thức được, tự vào lán giữa đồng, đóng cửa, đốt lán dẫn đến tử vong. Anh Đặng Hữu Th. (27 tuổi) bị tâm thần phân liệt, việc uống thuốc tại nhà rất khó khăn do bệnh nhân thường vứt thuốc đi. Hơn nữa, với chỉ 1 loại thuốc được cấp, nhiều khi không có tác dụng như mong muốn, bệnh nhân không hết cơn, có thể đập phá, gây rối. Một số gia đình có điều kiện kinh tế có thể mua thêm thuốc điều trị nhưng nhiều gia đình còn khó khăn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc được cấp.

Việc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý mê tín của người dân. Quang Phục (Tứ Kỳ) là một trong những xã có nhiều bệnh nhân tâm thần (21 người) chưa được hưởng dự án. Bác sĩ Nguyễn Trọng Mỵ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Nhiều bệnh nhân trong giai đoạn đầu phát bệnh không thông báo đến trạm y tế hoặc được đưa đi khám, điều trị ngay mà gia đình hay đi khắp nơi xem bói, giải hạn, trừ tà... hao tốn tiền của. Đến khi bệnh nhân không có biến chuyển, thậm chí bệnh nặng thêm thì gia đình mới đưa đi khám, điều trị. Có bệnh nhân dù đã được Bệnh viện Tâm thần Hải Dương chẩn đoán bệnh, điều trị nội trú ổn định và trở về điều trị tại địa phương nhưng gia đình vẫn tiếp tục cúng bái, không tuân theo phác đồ điều trị. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyến (57 tuổi) ở thôn Bích Lâm vốn là bộ đội phục viên. Do ám ảnh của chiến tranh, ông Tuyến phát bệnh tâm thần, nhưng vợ mê tín, lập điện thờ, trừ ma tà cho chồng mà không tuân theo việc điều trị tại cộng đồng. Dù lãnh đạo xã, các đoàn thể, cán bộ y tế cùng vào cuộc khuyên bảo nhưng gia đình nhất quyết không nghe. Đây cũng là trường hợp duy nhất đến nay xã không quản lý được. Hiện nay, bệnh nhân Tuyến không kiểm soát được hành vi, thường xuyên la hét giữa đêm, có khi đánh người gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, trong 4 năm gần đây, do không kiểm soát được bệnh nhân nên đã có 2 ca người bệnh tâm thần tử vong do đuối nước và tự tử.

Việc duy trì điều trị chỉ bằng 1 loại thuốc, không có thuốc kết hợp khiến cho bệnh dễ tái phát, một số bệnh nhân mãn tính, kháng thuốc, không có thuốc điều trị thay thế. Ông Phạm Đức Thuần ở xã Quang Phục, bố của bệnh nhân Phạm Thị Thương (22 tuổi) bị bệnh động kinh hơn 20 năm nay cho biết: Ngoài thuốc được phát miễn phí tại Trạm Y tế xã, gia đình phải thường xuyên mua thuốc ngoài. Việc chăm con đã vất vả, những khi con phát bệnh mà không có thuốc ngoài thì hai ông bà già không biết xoay xở thế nào.

Do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên hiện nay đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến xã không được hưởng phụ cấp nào dành cho hoạt động này. Vì vậy, không thể khuyến khích họ nhiệt tình cùng gia đình quan tâm, chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng. Nhiều nơi, cán bộ y tế trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa hiểu hết về bệnh tâm thần dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.

Bác sĩ Phạm Công Lạng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương cho biết, để quản lý, điều trị có hiệu quả cho số bệnh nhân trên thì phải đưa 110 xã, phường, thị trấn còn lại triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Nếu nằm trong dự án, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng nhiều loại thuốc kết hợp như trong điều trị nội trú. Địa phương sẽ được cấp thêm kinh phí phục vụ hoạt động chăm sóc bệnh nhân, các cộng tác viên tham gia phục hồi chức năng giúp bệnh nhân ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng.

MINH HẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó khăn trong điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng