Dịch Covid-19 làm giá cá thấp trong thời gian dài khiến nhiều hộ nuôi cá ở HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết (Thanh Miện) gặp khó khăn.
Người dân phải dùng máy tăng lượng oxy trong ao bảo vệ đàn cá
Ít thương lái đến mua
Xã Đoàn Kết có 119 ha nuôi thuỷ sản, trong đó HTX Thuỷ sản có 87,7 ha với 240 hộ nuôi, tập trung ở thôn Tòng Hóa. Năm 2019, sản lượng thuỷ sản của HTX đạt khoảng 2.500 tấn, tổng giá trị trên 70 tỷ đồng. 1 ha thuỷ sản cho lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Các hộ ở đây chủ yếu nuôi cá rô phi, trắm cỏ, chép, trôi thương phẩm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, sản lượng cá của HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết chỉ đạt 800 tấn, giảm 200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố hạn chế các phương tiện lưu thông để kiểm soát dịch bệnh khiến mặt hàng thuỷ sản khó tiêu thụ. Ông Đặng Xuân Tuyện, Giám đốc HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết cho biết vào thời điểm này năm ngoái thương lái đến thu mua cá rất đông thì năm nay lại vắng vẻ. Nhiều hộ có cá đến lúc phải thu hoạch nhưng vẫn phải nuôi cầm chừng làm chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu thụ cá giảm nên một số hộ không dám nuôi với số lượng lớn như trước.
"Gia đình tôi có gần 1,5 mẫu ao chủ yếu nuôi cá rô, chép, trắm cỏ. Tháng 4 vừa qua, 2 ao cá của gia đình đã đến kỳ thu hoạch nhưng do thực hiện giãn cách xã hội nên chưa thể bán được, buộc phải nuôi cầm chừng. Trong khi đó, thời tiết thất thường cá dễ bị nhiễm bệnh, lượng oxy trong ao giảm phải phòng bệnh và sử dụng máy sủi liên tục dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao. Mặc dù giá cá rô phi hiện đã tăng chút ít nhưng trừ tất cả chi phí không còn lãi là bao", anh Nguyễn Văn Thượng ở thôn Tòng Hóa cho biết.
Một số hộ là thành viên của HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết cho biết hiện nay, cá rô phi đang được bán với giá 33.000-34.000 đồng/kg (loại từ 0,7 kg trở lên), tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg so với tháng trước. Riêng giá cá trắm cỏ, chép, trôi vẫn giữ nguyên.
Cá chết nhiều
Thời gian gần đây ở nhiều ao nuôi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nhất là những ao nuôi lớn. Theo thống kê của HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết, từ đầu tháng 4 đến nay có khoảng 12 tấn cá chết, thiệt hại gần 400 triệu đồng. Cá chủ yếu chết do bệnh nấm mang, đen đầu, viêm đường tiêu hóa, thiếu oxy... Cá vẫn đang chết rải rác dù các hộ đã tìm nhiều cách trị bệnh.
Ông Đặng Xuân Tòng, một trong những thành viên thuộc HTX Thuỷ sản xã Đoàn Kết cho biết: "Chữa bệnh cho cá gặp nhiều khó khăn. Nếu dùng thuốc trị bệnh qua đường tiêu hóa sẽ ít tác dụng vì khi bị bệnh cá thường bỏ ăn hoặc giảm ăn. Phòng bệnh cho cá là việc làm cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa".
Gia đình anh Nguyễn Văn Tưởng ở thôn Tòng Hóa có 4 sào ao đã đến kỳ thu hoạch nhưng trước 2 ngày xuất bán thì toàn bộ 4 tấn cá chết nổi trắng mặt ao. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Ước (ở cùng thôn với anh Tưởng) thì gần 1 tháng nay, 1,6 mẫu ao có hiện tượng cá chết. Cá có triệu chứng kém ăn, bụng trương to, vận động chậm chạp, bơi tách đàn, chết nhanh. "Tôi đã dùng những thuốc đặc trị bệnh đường tiêu hóa cho cá, thay nước nhưng cá vẫn chết rải rác. Gia đình đã mất khoảng 2 tấn cá, thiệt hại gần 70 triệu đồng", anh Ước nói.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để hạn chế tình trạng hao hụt trong quá trình nuôi cá thì người dân cần chủ động phòng bệnh. Thường xuyên vệ sinh ao, chọn nguồn giống chuẩn, thả mật độ thưa và phát triển nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường...
ĐỖ QUYẾT