Nhiều năm nay, vì một số lý do nên người dân ở các xã vùng xa của huyện Kinh Môn vẫn chưa có cơ hội được sử dụng nước sạch.
Người dân ở các xã vùng xa phải sử dụng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt
Nhiều xã thiếu nước sạchPhải mất 4-5 lần khoan giếng, gia đình anh Phạm Văn Vinh ở thôn Lâu Động, xã Phúc Thành mới khoan đúng mạch nước. Anh Vinh cho biết, bằng mắt thường có thể nhận thấy nước bơm lên khá trong, để lâu cũng không bị vẩn đục hay đóng váng, tuy nhiên nước lại có vị mặn và mùi tanh nên gia đình tôi chỉ dùng để tắm giặt. Dù đã phải thay đến lần thứ hai nhưng các thiết bị vệ sinh của gia đình anh đều bị hoen gỉ, ố vàng. Không có bể chứa nước mưa nên anh Vinh phải mua nước sinh hoạt của một công ty đóng trên địa bàn xã để dùng cho việc nấu nướng, ăn uống. Mỗi lần anh thường mua 1m3. Nếu trong thôn có người mua cùng lúc thì mức giá là 30 nghìn đồng/1m3. Tuy nhiên, chỉ đơn lẻ thì anh Vinh phải trả thêm 10 nghìn đồng/m3. “Dù mức giá cao, thậm chí gấp 4-5 lần so với giá nước sạch nhưng gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn vẫn phải mua bởi không mua ở đó thì cũng chẳng biết mua hay lấy nước ở đâu mà dùng. Giá cao nên chúng tôi chủ yếu dùng trong ăn uống, nấu nướng", anh Vinh cho biết thêm.
Ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết, đến nay, chưa có hộ dân nào trong xã được sử dụng nước sạch. Những hộ dân may mắn khoan được nước giếng không có vị mặn và mùi tanh thì sẽ sử dụng trực tiếp bao gồm cả việc nấu nướng. Còn một số hộ dân khác cũng như các đơn vị, cơ quan, trường học đều phải mua nước của một công ty đóng trên địa bàn xã. Nước của công ty này cũng là nước giếng khoan, qua quá trình lọc và xử lý sau đó bán lại cho người có nhu cầu.
Giống như người dân xã Phúc Thành, hơn 2.200 hộ dân với khoảng 7.500 nhân khẩu của xã Lê Ninh cũng đang chịu cảnh “khát” nước sạch. Một số hộ có điều kiện thì mua nước của công ty ở xã Phúc Thành, những hộ khác thường sử dụng nước mưa, nước giếng khoan, nhiều hộ phải mang can lấy nước ở giếng làng về sử dụng. Do không có bể chứa nước mưa trong khi giá mua nước cao nên ông Vũ Văn Cương ở thôn Lê Xá phải đến lấy nước giếng làng về dùng. Ngày nào cũng vậy, vào tầm 6 giờ sáng, ông Cương lại đạp xe đến giếng Xẻ để lấy đầy nước vào chiếc can 30 lít mang về nấu nướng, ăn uống. Nước dùng cho việc tắm giặt của gia đình ông đều sử dụng nước giếng khoan được lọc qua bể cát. Ông Nguyễn Văn Thập, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Ninh cho biết, việc nối đường ống với các trạm cấp nước ở xã lân cận như Bạch Đằng là không khả thi vì địa bàn của xã rộng hơn 12km2. Đầu năm 2013, có một số đoàn về kiểm tra khảo sát chất lượng nước trên địa bàn xã, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ một thông báo phản hồi nào. Toàn xã hiện mới có 60-70% số dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vẫn phải chờHiện nay, huyện Kinh Môn có 10 công trình cấp nước sạch tập trung cung cấp cho các hộ dân ở 19 trong tổng số 25 xã, thị trấn. Ngoài hai xã Lê Ninh và Phúc Thành, còn có các xã Hiệp Hòa, An Sinh, Hoành Sơn và Tân Dân vẫn chưa có nước sạch. Đặc điểm chung của các xã này là đều nằm ở vùng xa, địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp gây cản trở lớn cho các dự án nước sạch. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết, các doanh nghiệp tư nhân lo ngại khi phải bỏ ra nguồn vốn lớn để đầu tư công trình nước sạch ở các xã này, bởi việc thu lại sau đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ thu không đủ bù chi. Chưa kể tới việc các công trình nước sạch ở các xã vùng xa, địa bàn phân tán nên việc quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng sẽ phức tạp. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc chưa có một doanh nghiệp cung cấp nước sạch nào muốn đầu tư vào các xã kể trên. Trước mắt, đối với các xã An Sinh, Hiệp Hòa, Tân Dân và Hoành Sơn, huyện chỉ đạo các trạm cấp nước ở các xã lân cận lắp đặt hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, thời gian lắp đặt khá dài. Lê Ninh và Phúc Thành là hai xã khó khăn nhất bởi địa hình đồi núi phức tạp, các hộ dân ở chân núi lại phân bố rải rác nên phương án lắp đặt hệ thống nối từ các xã lân cận sang là không khả thi. Huyện mong Nhà nước đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch để bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Trong thời gian chờ đợi, người dân ở các xã vùng xa của huyện Kinh Môn vẫn phải sử dụng nước mưa, nước giếng khoan, giếng đào và vẫn phải mua nước sinh hoạt với giá cao.
HUYỀN TRANG