Ngày 3.7, Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích thỏa thuận gần đây của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về tăng cường hợp tác quân sự là phương tiện để hiện thực hóa kế hoạch của Mỹ về một "NATO châu Á".
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần bác bỏ khả năng ra đời một khối liên minh "NATO châu Á".
Nhiều chỉ dấu cho thấy Mỹ không hướng đến một "NATO châu Á" mà đang âm thầm mở rộng kiến trúc "một hành lang, hai vành đai quân sự" trong chiến lược tập hợp lực lượng ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Nhật, Úc ủng hộ
Sự xuất hiện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cuối tháng 6 vừa qua là một chỉ dấu quan trọng cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng quân sự của Mỹ và khối đồng minh Đại Tây Dương sang tận bờ tây của Thái Bình Dương.
Xu hướng này không chỉ tạo ra sức ép từ cả hai phía đông - tây nhằm kiềm chế Nga, mà còn gián tiếp làm trỗi dậy mối quan ngại trong khu vực về khả năng định hình một khối NATO phiên bản châu Á như Triều Tiên đã bày tỏ lo ngại.
Khác với sự tiếp cận khó khăn ở khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, khi các quốc gia trong khối ASEAN cũng như nhóm các quốc đảo (ngoại trừ Palau và Micronesia) đều có chủ trương chỉ cho phép Mỹ hiện diện quân sự luân phiên, thì Nhật Bản và Úc gần đây đã có nhiều động thái ủng hộ sự mở rộng hiện diện thường trực quân đội Mỹ.
Với Úc, Mỹ đã đạt được đồng thuận mở rộng 4 căn cứ quân sự ở phía bắc của nước Úc từ nửa cuối năm 2021.
Cảng quân sự Darwin của Úc có khả năng cao sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên để phía Mỹ tái lập Bộ chỉ huy hạm đội Một do vị trí chiến lược của cảng này gần với eo biển Malacca cùng với ba tuyến đường thay thế là eo biển Sunda, eo biển Lombok và eo biển Makassar.
Về phía Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida không chỉ vừa mới tăng 5% trong vòng 5 năm các khoản tài trợ cho sự hiện diện của khoảng 55.000 quân Mỹ đóng tại nước này, mà còn đang chi trả xây dựng cho chuỗi căn cứ mới của Mỹ ở Guam và khu vực bắc Marianas nằm ở Tây Thái Bình Dương.
Thêm vào đó, Nhật Bản vừa duy trì vị trí trung tâm hậu cần hải quân khi cho phép các hạm đội của Mỹ và đồng minh (bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân) được tiếp cận các cảng quân sự chiến lược, vừa trở thành trung tâm tổ chức các hội thảo quốc phòng quan trọng cho phía Mỹ, điển hình như hội nghị chuyên đề về Tác chiến đổ bộ (PALS) mà phía Nhật tổ chức vào tháng 6 vừa rồi.
Những cấu trúc an ninh ở ASEAN
Hiện đang có một hành lang quân sự xuyên Tây Thái Bình Dương. Tuyến hành lang này tuy có quy mô lớn hơn nhưng lại đi qua chuỗi các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Các quốc gia ASEAN, vốn có lập trường cân bằng - đối trọng hiệu quả với các nước lớn, đòi hỏi phía Mỹ phải có cách tiếp cận "tích hợp giữa các đồng minh và các đối tác".
Để chuẩn bị cho sự tích hợp này, chính quyền Biden đã định hình một chuỗi các tam giác đồng minh và đối tác đơn lẻ trong năm 2021.
Điển hình nhất trong đó là sự ra đời của tam giác AUKUS giữa Mỹ - Anh - Úc vào tháng 9.2021 được dư luận ví như sự mở rộng ảnh hưởng của khối Anglo-Saxon vốn có sự tương đồng về bản sắc, sẽ trở thành nền tảng cứng cho kiến trúc an ninh mà Mỹ đang thiết lập.
Hai tam giác còn lại đang được củng cố bao gồm: tam giác hàng không Mỹ - Thái - Singapore với các cuộc tập trận mở rộng sang không quân chung đầu tiên vào tháng 3.2022, tam giác quân sự Mỹ - Nhật - Hàn vừa được tăng cường kết nối sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ba bên vào cuối tháng 6 ở Madrid.
Ngoài ra, việc Mỹ duy trì đầu tư hợp tác an ninh hàng hải chủ lực với Thái Lan (quốc gia điều phối Sáng kiến thực thi pháp luật trên Biển Đông Nam Á - SEAMLEI) và Indonesia (cùng xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải ở Riau) cũng định hình một tam giác chấp pháp hàng hải tiềm năng Mỹ - Thái - Indonesia.
Cân bằng quyền lực mới
Với cách tiếp cận trực diện (mở rộng căn cứ quân sự thường trực) và tích hợp (kết hợp các tam giác an ninh vào các cấu trúc lớn hơn), sự định hình một kiến trúc an ninh liên khu vực do Mỹ điều phối thực sự là quá trình có tính khả thi cao.
Tuy nhiên, dường như Mỹ chỉ có thể tăng cường hợp tác quân sự với sự hiện diện thường trực tại hai vành đai Mỹ - Nhật, Mỹ - Úc nhưng chưa thể duy trì cách tiếp cận này ở hành lang xuyên Tây Thái Bình Dương. Đây là kết quả của lập trường đa phương hóa, đa dạng hóa hiệu quả của khối ASEAN và nhóm các quốc đảo Thái Bình Dương.
Không chỉ vậy, sự tự lực của các cường quốc khu vực cũng đóng một vai trò đáng kể trong việc tự kiến tạo các kiến trúc có khả năng tự hoạch định chính sách và giảm thiểu phụ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ.
Điển hình gần nhất có thể kể đến Hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật - Hàn - Úc - New Zealand (nhóm AP4) bên lề Thượng đỉnh NATO vừa qua, hay sự xúc tiến của sáng kiến Phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) của Nhật - Ấn - Úc vào năm ngoái đã và đang góp phần tạo nên sự cân bằng mới trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Do đó, vẫn còn quá sớm để có thể nói về việc xây dựng một cơ chế "đồng chất đồng màu" kiểu NATO ở khu vực.
Tích hợp kiến trúc an ninh lớn
Sự ra đời của ngũ giác an ninh Mỹ - Anh - Nhật - Úc - New Zealand (nhóm đối tác Thái Bình Dương Xanh) vào cuối tháng 6 vừa qua có thể xem là sự tích hợp của ba tam giác: Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), Mỹ - Úc - New Zealand (ANZUS) và Mỹ - Nhật - Úc (tam giác Tây Thái Bình Dương đối trọng với tam giác Ấn Độ Dương gồm Ấn - Nhật - Úc trong khối QUAD).
Đây chính là hình mẫu của sự tích hợp một kiến trúc an ninh lớn dựa trên nền tảng nhiều tam giác an ninh nhỏ hơn theo cách tiếp cận cấu trúc của Mỹ hiện tại.
Theo Tuổi trẻ