Tài chính - Ngân hàng

Khó cho vay xây nhà ở nông thôn, vì sao?

HÀ KIÊN 14/04/2024 11:01

Nhiều ngân hàng ở Hải Dương đã và đang triển khai những gói tín dụng xây nhà ở với lãi suất ưu đãi. Song tăng trưởng dư nợ tín dụng những gói này luôn ở mức thấp so với các chương trình, sản phẩm tín dụng khác.

00:00

z5337334657603_fe1436c578d537936d573364bab9c9f3.jpg
Tâm lý e ngại khi phải hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng hoặc phải gánh trên vai khoản nợ ngân hàng dài hạn khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng để xây nhà ở nông thôn tương đối thấp

Nhiều cái khó

Trên mảnh đất gần 300 m2 ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) của gia đình chị Hà Thị Linh chỉ ít tháng nữa sẽ “mọc” lên căn nhà 2 tầng. Dù công trình đã hoàn thiện móng nhà, chuẩn bị xây tầng 1, gia đình chị Linh vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng.

“Gia đình tôi đã liên hệ phòng giao dịch của một ngân hàng lớn trong tỉnh để hỏi về hồ sơ vay vốn. Để vay được gói tín dụng lãi suất ưu đãi phục vụ mục đích xây nhà cần có giấy phép xây dựng do UBND huyện cấp”, chị Linh cho biết.

Một số ngân hàng trong tỉnh đang triển khai gói tín dụng ưu đãi để xây nhà, có mức lãi suất tương đối thấp, quanh mức 6%/năm trong 2 năm đầu; thời gian cho vay lên đến 20 năm, thậm chí 25 năm tùy từng ngân hàng. Số tiền gốc vay phải trả hằng tháng sau khi chia đều cho toàn bộ thời gian vay vì thế cũng ở mức thấp. Với nhu cầu vay 1 tỷ đồng trong 20 năm của gia đình chị Linh, trong 2 năm đầu tổng số tiền phải trả là hơn 9 triệu đồng cho tháng đầu tiên, sau đó giảm dần. “Đây là khoản chi phí phù hợp với khả năng tài chính của gia đình tôi. Nếu vay theo gói tín dụng khác, số tiền gốc và lãi phải trả hằng tháng sẽ cao hơn, do thời gian vay vốn ngắn. Do vậy gia đình tôi đang khẩn trương hoàn thiện giấy phép xây dựng để vay vốn”, chị Linh nói.

Những người sẵn sàng hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng ở nông thôn như chị Linh không nhiều. Theo quy định, ở khu vực thành thị, người dân trước khi xây nhà phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, nhà dân dụng ở nông thôn quy mô dưới 7 tầng không cần xin giấy phép này. Do vậy, nhắc đến việc xin giấy phép từ chính quyền khiến nhiều người dân khu vực nông thôn không mặn mà với những sản phẩm tín dụng riêng dành cho xây nhà như vừa nêu.

Hoàn thiện căn nhà 1 tầng mái thái cuối năm 2023 sau 7 tháng xây dựng và hoàn thiện, song gia đình anh Nguyễn Quang Tầm ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) không hề vay vốn ngân hàng. “Tổng chi phí xây dựng và hoàn thiện hơn 2 tỷ đồng, nhưng vì gia đình tôi một phần có khoản tích góp từ trước, một phần vay được từ người thân, bạn bè nên không phải vay vốn ngân hàng. Thực tế, nếu không thể vay tiền từ người thân thì tôi cũng không dám xây nhà, vì không muốn vay ngân hàng. Lúc nào trên đầu cũng treo một khoản nợ sợ lắm. Nhỡ công việc vì lý do nào đó bị gián đoạn, không có tiền trả nợ thì không biết phải xoay sở thế nào”, anh Tầm chia sẻ.

Nhiều giải pháp

Cái khó lớn nhất để tăng trưởng tín dụng phục vụ mục đích xây nhà ở nông thôn là tâm lý e ngại của người dân. Gói cho vay lãi suất thấp nhưng yêu cầu về giấy phép xây dựng thì người dân ngại xin, dù thời gian, thủ tục xin cấp phép tương đối đơn giản. Với gói vay lãi suất cao hơn nhưng không yêu cầu giấy phép này, người dân ngại về số tiền phải trả hằng tháng. Do vậy, ở hầu hết các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng của các gói cho vay xây nhà luôn thấp hơn so với các gói tín dụng khác.

Một kênh vay vốn xây nhà khác là từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Dù lãi suất ở mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, với 4,8%/năm, số tiền được vay tối đa 500 triệu đồng, phù hợp nhu cầu người dân nông thôn, song khó khăn lớn nhất là về hồ sơ vay vốn. Để được vay, người đi vay cần đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải vay để xây nhà tại chính mảnh đất đó.

Ở nông thôn, nhiều khi bố mẹ cho con cái một mảnh đất để xây nhà thường chỉ nói miệng. Nếu chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ giấy tờ đất thì người có nhu cầu không thể vay được. Hơn nữa, không ít người dân ở nông thôn phải nộp thuế thu nhập cá nhân dù chưa được dư giả, vì mức tính thu nhập chịu thuế đang bất cập. Do vậy nhiều người không thể vay vốn chính sách vì bị loại khỏi đối tượng được vay.

z5337334639844_e239fdaf773145db4dc2e68b70dc0b40.jpg
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu, khả năng trả nợ, nhiều ngân hàng đã tư vấn các gói vay giúp hoàn thiện nhà, mua sắm nội thất

“Ước tính cứ 10 khoản vay của người dân mới có 1 khoản vay để xây nhà. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung, chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ nhu cầu vay vốn của khách hàng ở nông thôn, từ đó tư vấn gói vay phù hợp”, chị Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân BIDV Thành Đông cho biết.

Đánh giá chất lượng tăng trưởng từng gói vay, tìm ra những ưu điểm để hướng tới khách hàng mục tiêu cũng là giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Diệp, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Agribank Hải Dương cho rằng mỗi khu vực, từ thành thị tới nông thôn, cần có giải pháp tăng trưởng tín dụng riêng. “Để tăng trưởng tín dụng khu vực nông thôn cần sự điều hành linh hoạt trong từng chương trình, sản phẩm cho vay. Chúng tôi thường hướng đến những gói tín dụng hoặc gói ưu đãi lãi suất phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, số tiền cho vay tối đa 500 triệu đồng, thời gian cho vay từ 1-5 năm; đồng thời đẩy mạnh cho vay qua một số tổ chức đoàn thể. Riêng với các gói cho vay xây nhà, chúng tôi thường tư vấn cụ thể về lãi suất, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về thời gian vay vốn, số tiền trả nợ và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào khách hàng cần”, chị Diệp cho biết.

HÀ KIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó cho vay xây nhà ở nông thôn, vì sao?