Kho báu Dược Sơn

04/03/2012 12:07

Từng được biết đến là nơi có nhiều cây thuốc nam chữa bách bệnh, nhưng đến nay những cây thuốc quý ở Dược Sơn gần như biến mất...


Ông Đinh Văn Mậu bên cây đơn găng chữa bệnh đau lưng, đau xương đánh trên núi về trồng

Thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo (Chí Linh) được biết đến từ lâu bởi nơi đây có vườn thuốc trên núi Nam Tào với hàng trăm cây thuốc quý chữa các loại bệnh từ thông thường tới hiểm nghèo. Thế nhưng, cây thuốc nam ở Dược Sơn đến nay gần như mất hết, thay vào đó là cỏ dại, cây ăn quả, keo, bạch đàn.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc vườn thuốc trên núi Nam Tào, nhưng các truyền thuyết đều có điểm chung là vườn thuốc này do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho trồng để chữa trị vết thương cho quân lính. Sau này, vườn thuốc được phát triển thêm, không chỉ là nơi cung cấp thuốc nam chữa bệnh cho quân dân nhà Trần mà còn là nơi phong cảnh hữu tình nên được xếp vào "Chí Linh bát cổ" (Dược Lĩnh cổ viên). Vườn thuốc trên núi Nam Tào cũng được coi là vườn thuốc quốc gia đầu tiên.

Thôn Dược Sơn có gần 200 hộ dân nhưng chỉ có hai người hành nghề chữa bệnh bằng đông dược, trong đó phải kể đến ông Đinh Văn Lịch, người có trên chục năm gắn bó với cây thuốc nam. Ông Lịch có một gian quán nhỏ trước cửa đền Nam Tào bày bán các loại thuốc nam. Ông Lịch cho biết: "Trước kia, trên núi có hơn 200 vị thuốc, đến nay còn khoảng 130 loại, có loại chỉ còn lại vài cây". Điều làm ông Lịch phải trăn trở không chỉ là vườn thuốc quý dần biến mất mà còn là vì không có ai để truyền nghề. Bao nhiêu năm làm nghề, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay, tìm được nhiều cây thuốc và bào chế được nhiều bài thuốc quý, buồn một nỗi là không có người để ông truyền lại những bí mật thuốc nam này. Ông Đinh Văn Mậu là người thứ hai trong làng chuyên về thuốc nam khoảng 8 năm nay. Với tâm trạng tiếc nuối, ông Mậu chỉ cho chúng tôi xem rất nhiều cây thuốc và tác dụng của nó. Nguyên nhân của tình trạng thuốc nam dần tuyệt tích là do sự phát triển của y học phương Tây đã làm giảm giá trị của cây thuốc nam. Địa phương cũng không có biện pháp bảo tồn và phát triển vườn thuốc nam, nên người dân tự ý phá bỏ trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặc dù sống ở xung quanh núi thuốc nhưng người dân Dược Sơn cũng không có nhiều hiểu biết về cách sử dụng thuốc nam, nhất là lớp trẻ. Vườn thuốc không có ai quản lý, cũng không mấy ai có ý thức chăm sóc, phát triển để hành nghề đông y nên người dân tự ý thu hái, tự ý phá bỏ. Nhiều hộ dân đã khai hoang đồi núi, phá bỏ thuốc nam trồng cây vải. Gần đây, cây vải không còn vị thế, họ chuyển sang trồng cây lấy gỗ như keo, bạch đàn. Chính vì thế mà vườn thuốc quý hiếm ngày nào đang dần tuyệt tích.

Nhiều nghiên cứu về thổ nhưỡng trên núi Nam Tào đều khẳng định, đất ở đây thích hợp cho việc trồng và phát triển thuốc nam. Ông Vũ Chí Phủng, Trưởng thôn Dược Sơn cho biết: “Vài năm nay có nhiều đoàn khảo sát về nghiên cứu và lập dự án khôi phục vườn thuốc nam với quy mô vài héc-ta nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Có thể do khó khăn về nguồn kinh phí, nguồn cây giống thuốc nam. Những hộ dân ở đây cũng có mong muốn khôi phục lại thương hiệu thuốc nam Dược Sơn nhưng lại có tâm lý trông chờ vì sợ trồng ra rồi lại không có nơi tiêu thụ”.

Việc khôi phục và phát triển các vườn thuốc nam là hết sức cần thiết, nhất là một nơi có nhiều tiềm năng như Dược Sơn. Nếu khôi phục thành công vườn thuốc nam Dược Sơn nổi danh ngày nào thì cũng giống như việc tìm lại được một kho báu.

LÊ HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kho báu Dược Sơn