Khi yêu, điều vô lý trở thành có lý

14/08/2017 14:28

Tình cờ, tôi được một người bạn yêu thơ đọc cho nghe bài "Chờ không hẹn" của nhà báo-nhà thơ Thuận Hữu. Không biết có phải do giọng đọc cuốn hút của anh bạn, hay do tình ý đặc biệt của bài thơ mà tôi thấy mê luôn bài thơ này.

Chờ không hẹn


Có hẹn gì đâu mà anh vẫn cứ chờ
Một dáng em qua...
Chiều bỗng dài vời vợi
Không hẹn gì đâu mà anh vẫn đợi
Bâng quơ hoài...
Đêm hóa những mênh mông
Đâu chỉ mình anh, có cả biển xanh
Sóng vỗ trắng chân trời chờ đợi
Hóa vô tư bao điều muốn nói
Xốn xang lòng một nỗi vẩn vơ
Lạ quá thôi, anh vẫn cứ chờ
Với dự cảm thế nào em cũng tới
Như biết em không nghe mà anh vẫn gọi
Gọi đỡ buồn để rồi lại buồn hơn
Cái khoảng thiếu em là cái khoảng bồn chồn
Cái khoảng trống người ta gọi là nỗi nhớ
Có phải tình yêu thường bắt đầu như thế
Không hẹn gì đâu mà ta vẫn cứ chờ.

THUẬN HỮU


Ngay tiêu đề bài thơ đã khiến người đọc phải tò mò bởi nó trái với quy luật bình thường. Người ta chỉ chờ khi hẹn, chứ chờ mà không hẹn thì nghe thật vô lý. Nhưng trong tình yêu tất cả đều có thể xảy ra và chấp nhận được. Kể cả cái điều tưởng như rất trái khoáy “Chờ không hẹn”.

Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về đề tài này như: Đợi (Vũ Quần Phương), Để em lỡ hẹn (Nguyễn Thị Mai), Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé (Hồ Dzếnh)... Xưa nay, người ta thường nói đến những tình huống hẹn rồi lỡ hẹn, để những người yêu nhau phải khắc khoải đợi chờ, thậm chí có khi vì thế mà thành dang dở. Nhưng chờ khi chả có hẹn hò gì xem ra độc đáo lạ. Vậy tại sao người ta cứ nhất tâm đợi chờ khi không hẹn? Có thể tin vào cách lý giải như thế này của nhân vật trữ tình chăng: "Có phải tình yêu thường bắt đầu như thế/ Không hẹn gì đâu mà ta vẫn cứ chờ".

Men theo hy vọng rất mong manh ấy, nhà thơ tự hỏi mình, hỏi người: "Có phải tình yêu thường bắt đầu như thế": Một chút ngỡ ngàng khiến lòng ta chùng lại và bỗng hiểu vì sao không hẹn mà người thơ vẫn cứ chờ. Không có gì phải giấu giếm, nhân vật trữ tình đã thú nhận ngay từ câu thơ đầu: "Có hẹn gì đâu mà anh vẫn cứ chờ". Cũng chỉ đơn giản là chờ: "Một dáng em qua" nhưng nó đồng nghĩa với tình em đến. Chỉ thế thôi cũng đủ lấp dần khoảng trống trong lòng. Vậy nên, phút giây đợi chờ: "Chiều bỗng dài vời vợi… Đêm hóa những mênh mông". Thời gian ở đây được đo bằng thời gian tâm lý, nên nó dài dằng dặc và mênh mông đến vô tận. Mặc dù người thơ nói rằng chỉ chờ đợi bâng quơ, nhưng trong lòng liệu có bâng quơ? Dường như ý thức về sự “vô lý” của mình, người thơ cứ lặp đi lặp lại như trần tình, phân bua: "Có hẹn gì đâu", "Không hẹn gì đâu"... Phải chăng điều đó đã lý giải phần nào tâm trạng đầy mâu thuẫn thường gặp trong tình yêu?

Mà đâu phải chỉ mình anh chờ đợi? Nhà thơ thật khéo khi kéo cả vũ trụ, thiên nhiên nhập cuộc: "Đâu chỉ mình anh, có cả biển xanh/ Sóng vỗ trắng chân trời chờ đợi". Hẳn rồi, trong con mắt kẻ si tình, vạn vật đều nhuốm màu yêu. Hay tình yêu đã nhuốm vào cảnh vật? Tất cả như đồng thanh tương ứng, phụ họa cho sự đợi chờ, dù không hẹn. Thế nên, cả biển xanh, cả sóng vỗ trắng chân trời cũng cùng nỗi mong chờ. Vậy thì sự chờ đợi đến xốn xang lòng ấy sao có thể là bâng quơ, là vẩn vơ? Tâm trạng của kẻ đang yêu thật khó diễn tả thành lời. Đó có phải là cách để người thơ bào chữa cho sự vô lý: chờ mà không hẹn của mình đó chăng?

Sự vô lý đó khiến người thơ cũng không thể hiểu nổi mình mà thốt lên đầy ngạc nhiên: "Lạ quá thôi, anh vẫn cứ chờ/ Với dự cảm thế nào em cũng tới". Thế là ta đã hiểu sự chờ đợi ở đây không hoàn toàn vô vọng. Bởi hình như người thơ đã có lý do để đợi chờ, cho dù nó rất mong manh, nhưng anh tin vào tình yêu, tin vào dự cảm của mình.

Có phải vì quá yêu em mà anh tự huyễn hoặc mình thế không? Trong tình yêu nhiều khi người ta thường có những hành động không thể lý giải được như vậy. Chờ đợi đến "xốn xang lòng" vì một dự cảm em sẽ tới, nhưng rồi ngay sau đó, anh lại thú nhận sự thất vọng của đợi chờ: "Như biết em không nghe mà anh vẫn gọi/ Gọi đỡ buồn để rồi lại buồn hơn". Lại một nghịch lý xuất hiện. Biết trước được kết quả trái với mong muốn mà người thơ vẫn cứ gọi, cứ lặp lại hành động vô vọng của mình, đơn giản chỉ mong "đỡ buồn" nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Nỗi buồn không hề nhẹ vơi mà ngày càng đầy lên trong lòng. Cụm từ "để rồi lại buồn hơn" có thể coi là câu trả lời cho sự chờ đợi chăng? Thất vọng chồng lên thất vọng! Ấy thế mà anh vẫn đau đáu về phương em với một nỗi mong chờ đến cháy lòng. Bởi một lẽ thật đơn giản: "Cái khoảng thiếu em là cái khoảng bồn chồn/ Cái khoảng trống người ta gọi là nỗi nhớ". Không biết em có tới để lấp đầy khoảng trống trong lòng anh, nhưng anh vẫn không nguôi hy vọng, dù rất mong manh nhưng vô cùng mãnh liệt: "Có phải tình yêu thường bắt đầu như thế /Không hẹn gì đâu mà ta vẫn cứ chờ".

Câu đầu và câu kết bài thơ lặp lại về nội dung và gần như lặp lại về cú pháp. Cách mở đầu và kết thúc như vậy có tác dụng khép lại ý thơ và mở ra niềm tin, hy vọng cho sự đợi chờ. Nhà thơ Thuận Hữu đã rất tinh tế khi nắm bắt được những rung động, những chênh chao rất người trong tình yêu. Từ "Những phút xao lòng" đến "Chờ không hẹn" là những trải nghiệm thú vị, tinh tế về những cung bậc tình cảm khó kiểm soát của con người, nhất là trong tình yêu. Với ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, dễ hiểu, "Chờ không hẹn" là một bài thơ hay vì nó da diết, bâng khuâng, ám ảnh người đọc bằng chiều sâu của tính nhân văn. Đó là tình người, là niềm tin vào những gì tốt đẹp trong cuộc đời lắm yêu thương và cũng còn nhiều đau khổ này.

NGUYỄN THỊ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi yêu, điều vô lý trở thành có lý