Tôi cứ đắn đo mãi khi đặt bút viết lại câu chuyện này. Đầu tháng 9-1974, vợ tôi bùi ngùi tiễn chồng tại ga Hàng Cỏ lên tàu liên vận quốc tế sang Liên Xô. Một cán bộ ngoại giao nhờ tôi: Anh đưa hộ cháu bé này đến Matxcova, sẽ có sứ quán ra đón. Cháu chưa có hộ chiếu, chỉ có giấy khai sinh, dán ảnh và đóng dấu. Cô bé chủ động “báo cáo”: Cháu về nước thăm gia đình, hết hè lại sang Bulgaria. Cô bé ở với cô Blaga Dimitrova, nữ thi sĩ nổi tiếng thế giới với những vần thơ: “Trái đất ba phần tư nước mắt, trôi những giọt lệ giữa tinh cầu”. Và bà là người đầu tiên viết về người phụ nữ bụng bầu như “ôm quả địa cầu trước mặt”. Kinh thật, chỉ 2 tứ thơ mà nặng hàng tỷ tấn như Trái Đất và hành tinh của chúng ta không có nước, toàn là nước mắt nhân loại. Đọc xong mà run cả người.
Vào những năm chiến tranh ác liệt nhất Blaga Dimitrova đã sang Việt Nam. Buổi đón tiếp bà có 2 chi tiết. Cụ Nguyên Hồng đã reo lên: “Ối, chị Blaga!” rồi lao vào ôm chặt nhà thơ, chiếc áo bông xanh của cụ lòi cả bông ở phía sau, nhìn không hề có “tính ngoại giao”, nhưng cái chất “ông già Yên Thế” của Nguyên Hồng lại rõ nhất. Không hiểu ai ở Hội Nhà văn đã mua một bó hoa cúc vàng tặng khách. Nữ thi sĩ nhìn hoa và khóc òa. Thì ra hoa cúc vàng ở châu Âu là hoa tang, chồng Blaga đã chết trong chiến tranh. Hôm vừa rồi đám tang anh nhạc sĩ, ca sĩ, phượt thủ Trần Lập toàn hoa vàng. Còn đám tang nhạc sĩ Thanh Tùng lại toàn hoa trắng. Chuyện đơn giản thế thôi mà nói ra cũng thành một cái đáng nói ở đời.
Blaga Dimitrova đi thực tế nhiều nơi, có xuống Hải Phòng và thăm một nhà trẻ của Nhà máy Cá hộp Hạ Long, do Liên Xô giúp xây dựng. Trong một lớp trẻ bà nhìn mãi một cô bé và khi về nước đã đề nghị với Chính phủ cho xin em gái đó về làm con, hẹn lần sau sang đón. Chuyện bắt đầu vào chỗ khó nói. Bố tôi năm 1968 là cán bộ Trung ương đi làm công tác “ba xây, ba chống” tại các doanh nghiệp. Ông xuống Hải Phòng, được Bí thư Thành ủy Trần Kiên yêu cầu tập trung giải quyết, tổ chức bằng được Đại hội Đảng của Nhà máy Cá hộp. Do mâu thuẫn nội bộ, nhà máy khổng lồ của công nghiệp chế biến hải sản hiện đại số 1 của Việt Nam không tổ chức được Đại hội Đảng. Là cán bộ Đảng của Hải Dương từ năm 1944, ông có nhiều kinh nghiệm công tác Đảng nên sau một thời gian đã hoàn tất việc chuẩn bị đại hội. Năm ấy máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá Hải Phòng quyết liệt để ngăn con đường tiếp tế của phe xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam. Đại hội Đảng ở Nhà máy Cá hộp thành công, nhưng oái oăm thay, toàn thể đảng viên không bầu cho “người nhà” mà bầu bố tôi, cán bộ tăng cường làm Bí thư. Thành ủy còn động viên ông ở lại bằng cách phân cho ông ngôi biệt thự to đùng ở phố Lạch Tray, nay là trụ sở Hội Nhà báo Hải Phòng và có một gian cho phóng viên báo Nhân Dân thường trú. Nhưng ông cụ đâu có nghĩ đến nhà. Một bộ phận cán bộ, công nhân nhà máy và gia đình của họ đã sơ tán về Hải Dương. Đó là lý do tôi viết câu chuyện này gửi báo Hải Dương. Tôi nhớ có lần cụ nói: “Cái con bé cô nhà thơ Bulgaria gặp là con một cán bộ miền Nam tập kết, anh ấy đã vào Nam chiến đấu và gia đình cũng không ở nhà máy nữa. Trẻ con đứa nào cũng đáng yêu như nhau, tao đành chọn một đứa khác, cũng xinh xắn lắm..."
Tôi hỏi cô bé về Blaga Dimitrova. Cô bé kể: “Cháu đi học cả ngày. Cô Blaga quý cháu lắm. Hai mẹ con sống hòa thuận”. “Cô ấy có tái giá lấy chồng không?”. “Không, nhưng đã có vài chú đến làm bạn. Những lúc một mình cô buồn lắm, ngồi uống rượu một mình”...
Chia tay cô bé ở Matxcova, tôi phải đi tiếp tới Leningrat để học thêm một nghề mới chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến. Tôi chọn nghề báo, đến nay chỉ còn thiếu mấy tháng nữa là tròn 50 năm làm nghề báo. Ngay cả lúc làm Tổng Biên tập tôi vẫn viết, như anh em nhà báo trẻ nói: Ngày nào cụ cũng làm một “nhát”. Thực ra có ngày 2 bài đấy.
Đã ngót nửa thế kỷ trôi qua. Tôi không còn có thông tin nào nữa về Blaga Dimitrova và cô con gái nuôi Việt Nam. Chiến tranh cũng lùi sâu về dĩ vãng. Ở bia tưởng niệm liệt sĩ phường Kim Liên (Hà Nội) có dòng tên: Trần Đức Vũ, Thanh Miện, Hải Dương. Chú em tôi năm 1967 lĩnh tháng lương thợ cuối cùng, đưa cả cục tiền cho tôi: “Anh mới ra trường, còn nhiều vất vả, cầm lấy mà tiêu”. Và chú đi mãi. Sau giải phóng không trở về. Mãi mới thấy một hôm cán bộ phường đến trao bằng Tổ quốc ghi công và làm lễ truy điệu. Mẹ tôi khóc cả tháng trời. Cái khó với bố tôi là đến gặp cô gái - người yêu của em tôi, nghe nói cũng là dân Hải Dương. Cô ấy vẫn đi làm và chờ đợi. Như câu thơ: “Người trai quê biết không/Những đêm dài em khóc/Đầy như giếng mưa/Câm như bồ thóc...” Cái đầu già nua của tôi không nhớ được câu ấy là của ai. Chỉ nhớ cô gái ấy đã để tang em tôi một thời gian rồi lấy chồng. Nửa sau câu chuyện là cung đàn vui. Đã là chuyện vui thì bản thân nó đã vui rồi. Niềm vui của con người sau các cuộc chiến tranh quá lớn, có viết thêm vài dòng cũng chả bõ bèn gì.
Chỉ có nỗi buồn là sống lâu hơn cả. Năm nào, đến Ngày Thương binh, liệt sĩ tôi cũng ra bia liệt sĩ phường thắp nén hương cho em. Con gái tôi sinh ra sau ngày chú hy sinh 20 năm. Nó là nhà báo như bố mẹ, nó bám các kênh đi tìm đồng đội để tìm chú. Kết quả là không ai, kể cả Bộ Quốc phòng biết chú nằm ở đâu. Đại đội của em tôi - Đại đội Cao su Sao Vàng Hà Nội 0 đã hy sinh hết tại cửa ngõ Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Tất cả chỉ có vậy thôi.
Trong các anh chị em tôi có chú Vũ là gắn bó với quê nhiều hơn cả. Hồi Pháp tấn công Thanh Miện, dân làng Chương tản cả xuống Neo. Mẹ tôi phải khoét bờ đê sông Neo để làm hầm có mái che và em tôi đã ra đời trong căn hầm đó. Lớn lên hễ có lúc rỗi Vũ lại về quê, còn tôi thì cứ đi biền biệt, vào Nam, ra Bắc, đi Tây, đi Tàu... Vũ ít nói, hình như những người chui từ bụng mẹ ra trong lòng đất cả đời cũng sống vững vàng và âm thầm như đất và lúc hy sinh cũng nằm sâu trong đất khách quê người.
TRẦN ĐỨC CHÍNH