Khi tỷ phú đầu bạc Abramovich thành "đại sứ" thời chiến

03/04/2022 07:15

Hôm 29.3, tỷ phú đầu bạc Abramovich bất ngờ xuất hiện tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bên lề các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine, dù vai trò chính xác của ông tại đó là gì thì không phải ai cũng rõ.

Ông Abramovich (giữa) trong cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tuần này - Ảnh: AFP

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đầu tuần này xác nhận ông Abramovich "đang tham gia bảo đảm những liên lạc nhất định giữa Nga và Ukraine" tại Istanbul dù không phải là thành viên chính thức của phái đoàn đàm phán Nga.

Việc tỷ phú 55 tuổi đột nhiên xuất hiện nhiều hơn trước công chúng sau bao năm ẩn mình lặng lẽ, né tránh mọi cuộc phỏng vấn, lại với vai trò một "đại sứ" khiến dư luận đặc biệt chú ý. Giới quan sát tò mò vì sao ông Abramovich lại muốn dự phần vào tiến trình đàm phán Nga - Ukraine.

Kênh liên lạc không chính thức

Vào buổi sáng ngày xảy ra chiến sự tại Ukraine (24.2), ông Roman Abramovich nhận được cuộc điện thoại từ ông Alexander Rodnyansky, nhà sản xuất phim người Ukraine.

Ông Rodnyansky biết Tổng thống Ukraine từ khi ông Zelensky còn là diễn viên và con trai ông Rodnyansky là cố vấn cho ông Zelensky. Nhà sản xuất phim Ukraine hiểu rõ ông Abramovich là người có thể giúp truyền đạt chính xác những điều cần trao đổi tới Tổng thống Putin và muốn nhờ ông góp tiếng nói để chấm dứt cuộc chiến.

Các nguồn tin của tờ Wall Street Journal tiết lộ ông Abramovich không phải là người đầu tiên mà ông Alexander Rodnyansky "cầu viện", vì ít nhất ba doanh nhân liên hệ trước đã từ chối vì nhiệm vụ lớn quá. Tuy nhiên, ông Abramovich nhận lời. Và cuộc điện thoại trở thành dấu mốc để vị đại gia kín tiếng người Nga bắt đầu dấn thân vào một vai trò mà hẳn ông chưa từng nghĩ tới: trở thành đại sứ thời chiến.

Một số quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng ông nhận lời vì muốn né bớt các trừng phạt. Hiện tỷ phú này đã phải đối mặt với các hạn chế của Anh và EU, nhưng vẫn chưa bị Mỹ trừng phạt vì đang giữ vai trò trung gian đàm phán. Theo một số quan chức Mỹ, hồi đầu tháng 3 khi các nước phương Tây bắt đầu trừng phạt nhiều tỷ phú Nga có liên quan đến ông Putin, chính ông Zelensky đã đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm thời chưa trừng phạt ông Abramovich và Nhà Trắng đồng ý.

Tuy nhiên, những người gần gũi ông Abramovich cho rằng việc ông trở thành "chim xanh" mang thông điệp hòa bình không phải nhằm bảo vệ các lợi ích kinh doanh mà thực chất chỉ để chấm dứt đổ máu. 

Họ cũng nói ông đã chấp nhận cả những rủi ro khi làm điều đó. Bởi nếu đàm phán thất bại, không chỉ Điện Kremlin có thể đổ lỗi một phần mà phương Tây cũng sẽ nói ông tham gia thúc đẩy hòa bình như một chiêu trò quảng bá không hơn.

Trong hơn một tháng qua, ông Abramovich đã đi lại như con thoi giữa Đông Âu, Nga, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò một kênh liên lạc không chính thức của Tổng thống Putin. Cụ thể, trong 10 ngày qua, ông đã ở Matxcơva, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông liên tục gặp gỡ các quan chức của Nga và Ukraine. Ông tổ chức đối thoại với các Tổng thống Putin, Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - quốc gia đóng vai trò trung gian trong các cuộc hòa đàm.

Người dàn xếp hiệu quả

Trong những ngày qua, một số quan chức Ukraine đã dành nhiều lời khen ngợi ông Abramovich vì vai trò tích cực trong các cuộc hòa đàm mới nhất.

Nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine kể mỗi khi Kiev có những vấn đề cần trao đổi với Tổng thống Putin, họ nói với ông Abramovich và thường thì ông sẽ luôn hồi đáp nhanh chóng với những giải pháp khác nhau. Bên cạnh việc truyền đạt thông điệp của Ukraine tới ông Putin, ông cũng tham gia hỗ trợ nhiều vấn đề lớn nhỏ khác và các nhà đàm phán Ukraine đánh giá ông là người thu xếp hiệu quả vấn đề.

Truyền thông Mỹ biết ông Abramovich có kênh liên lạc trực tiếp với Tổng thống Nga và thường xuyên kết nối với ông Putin. Khi không thể trao đổi trực tiếp, ông sẽ nói chuyện với Chánh văn phòng Tổng thống Nga, ông Anton Vaino.

Các quan chức Ukraine ghi công ông Abramovich đã góp phần thúc đẩy đạt được các hành lang nhân đạo giúp sơ tán dân khỏi các thành phố Ukraine như Mariupol và Berdyansk và ít nhất là hai cuộc trao đổi tù nhân. Những thành công khác nhỏ hơn như nỗ lực thu xếp để hai bên tổ chức đối thoại online qua ứng dụng Zoom khi đoàn Ukraine không muốn sang Belarus.

Ông Abramovich sinh tại miền tây nam nước Nga, mồ côi từ lúc mới lẫm chẫm biết đi sau khi cha mẹ ông qua đời do một tai nạn trên công trường xây dựng. Theo Washington Post, ông có 3 quốc tịch: Nga, Bồ Đào Nha và Israel.

Tỷ phú Abramovich là một thương gia dầu mỏ nổi lên từ sau các khủng hoảng tài chính hồi thập niên 1990 ở Nga, ông có mối quan hệ gần gũi với cả Tổng thống Putin và cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Ông là chủ Câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh, sở hữu nhiều bất động sản cao cấp ở London, Colorado. Ông cũng là người tham gia đóng góp cho nhiều tổ chức thiện nguyện.

Theo tạp chí Forbes, tài sản ròng của ông hiện là 8,2 tỷ USD.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi tỷ phú đầu bạc Abramovich thành "đại sứ" thời chiến