Khi sự nhảm nhí lên ngôi

24/04/2022 17:12

Sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng chia sẻ hình ảnh, video đã tạo ra môi trường cho nhiều nội dung nhảm nhí, độc hại lan tràn.

Mở đầu cuốn sách Phono Sapiens - Loài người mới sinh ra từ điện thoại thông minh, nhà nghiên cứu Hàn Quốc Jae Boong Choi đã lý giải về sự khởi đầu kỷ nguyên kỳ lạ này của loài người: “Ngày càng có nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống thiếu điện thoại thông minh. Tạp chí The Economist (Anh) đã gọi họ là Phono Sapiens (loài người có trí tuệ sử dụng điện thoại), lấy gốc từ Homo Sapiens, có nghĩa là người tinh khôn. Sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi hoàn toàn nhân loại một cách nhanh chóng đến mức một tên gọi mới là Phono Sapiens xuất hiện. Khi iPhone ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007, chẳng ai có thể dự đoán được sự thay đổi này sẽ xảy ra”.

Khó có thể phủ nhận không ít giá trị tốt đẹp làm thay đổi cuộc sống con người đến kinh ngạc bắt đầu từ sự xuất hiện của chiếc điện thoại thông minh. Nhưng ở khía cạnh khác, ngày càng nhiều nội dung nhảm đang lan tràn trên mạng Internet, điện thoại thông minh trở thành công cụ sản xuất nội dung là sàn diễn, sân khấu khổng lồ mà giới trẻ đang hứng thú dành sự quan tâm cao độ thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube…

Lệ Rơi - hiện tượng mạng xã hội đời đầu

Tám năm trước, vào mùa hè năm 2014, trên mạng xã hội xuất hiện đình đám hiện tượng “ca sĩ” Lệ Rơi, nghệ danh của Nguyễn Đức Hậu, chàng nông dân trồng ổi có niềm đam mê ca hát sống tại tỉnh Hải Dương.

Hậu mang gương mặt chân chất hồn nhiên, giọng hát yếu, rất tệ cũng như phát âm không chuẩn xác giữa hai chữ N và L. Nhưng chỉ sau vài tuần, anh nổi tiếng một cách tự nhiên, mỗi đoạn video quay bằng điện thoại đưa lên mạng đều đặn đạt mốc hàng trăm nghìn đến vài triệu lượt xem trên Facebook, Youtube. Một con số nhiều ca sĩ nổi tiếng với ê-kip hỗ trợ chuyên nghiệp đương thời cũng không thể vươn tới.

mang xa hoi anh 1

Lệ Rơi thời còn là anh nông dân chân chất và sau khi "gia nhập showbiz"

Thời điểm đó đã có rất nhiều bài báo tìm cách lý giải về hiện tượng này. Thực sự một thế hệ “Phono Sapiens”, loài người có trí tuệ sử dụng điện thoại bị hấp dẫn bởi Lệ Rơi vì điều gì? Tò mò? Chắc chắn rồi, bởi họ chưa bao giờ được thưởng thức ai đó có thể tự tin đến thế thể hiện vô số ca khúc trữ tình một cách lệch chuẩn, xa vời vợi khỏi tiêu chí tối thiểu của thanh nhạc. Và đám đông tò mò hiếu kỳ ấy lăn như quả bóng tuyết xuống chân núi, càng lăn càng to đến khổng lồ.

Có thể coi Lệ Rơi là một dấu mốc của sự khởi đầu phong trào sản xuất nội dung theo phong cách lệch chuẩn trên mạng xã hội Việt Nam. Chàng nông dân Nguyễn Đức Hậu bắt đầu rời xa đồng ruộng, phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, nhấn mí mắt, nhuộm tóc, ăn diện, bước chân vào thế giới biểu diễn bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng.

Tất nhiên, sức hấp dẫn bởi giọng hát í ẹ, sự ngô nghê, chân chất bản năng vốn có của Hậu đã sớm biến mất dưới ánh đèn sân khấu thực sự, nơi người ta bỏ tiền mua vé, rời mắt khỏi màn hình điện thoại để ngẩng lên xem, cảm thụ những giá trị nghệ thuật cao hơn là tò mò về bộ môn “thanh nhạc trên mạng”.

Sau nhiều thất bại trên con đường nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh… Lệ Rơi tay trắng quay trở về quê nhà với nhiều nỗi niềm cũng như sự ganh ghét của người đời ngay tại quê hương mình. Trong một bài phỏng vấn, anh cay đắng tâm sự rằng thậm chí người ta còn đánh thuốc độc chết cả ao cá của gia đình mình. Cộng đồng mạng đã nhanh chóng quên Lệ Rơi, có lẽ đó lại là món quà đáng giá nhất mà khán giả dành cho Hậu để có sự bình yên hôm nay.

Vì sao giới trẻ chuộng các nội dung "thảm họa"?

Dễ dàng nhận thấy cộng đồng “Phono Sapiens” luôn cần thứ gì đó để giải trí trên mạng. Chính thói quen ngấu nghiến, tò mò, dễ dãi hấp thụ những điều nhảm nhí nhất hiện diện trên mạng, và cứ như vậy, những nhân vật sản xuất nội dung nhảm cứ vậy túc tắc xuất hiện một cách hữu ý. Kenny Sang với những phù phiếm xa hoa giả tạo, “Công chúa Thủy Tề” nam giả nữ phấn son lòe loẹt quằn quại khóc lóc, chân vung tay quăng hành xử phong cách giang hồ đại ca đại cốc Khá “Bảnh”, cởi trần chửi bậy như hát hay phải có Dương Minh Tuyền…

Trong không ít bài báo, phóng sự truyền hình, người lớn ồ lên phẫn nộ khi được phỏng vấn. Họ nói cay đắng nhìn đám trẻ còn mặc áo đồng phục, cổ đeo khăn quàng đỏ rú hét vây quanh anh bạn giang hồ Khá “Bảnh” trước cổng trường như một thần tượng đích thực. Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, lũ trẻ học, đọc, xem và hấp thụ những gì trên mạng không ai có thể biết.

mang xa hoi anh 2

Thông Soái Ca là hiện tượng mới nổi trên mạng xã hội thời gian gần đây. Ảnh: YouTube

Nhưng những điều mắt thấy tai nghe trước mắt kia, khi đám trẻ a dua học nhau uốn lượn đôi tay theo phong trào “múa quạt” Khá “Bảnh” phê thuốc, đối thoại với nhau tục tĩu giống những câu nói nổi tiếng “anh ấy” phát trực tiếp trên mạng xã hội thì có thể thấy rằng, nội dung nhảm trên mạng quả thực không hề là trò vui.

Với sự phát triển của các thuật toán tinh vi, ngày hôm nay những ứng dụng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube… tiếp cận người dùng theo một cách thông minh uyển chuyển, chúng biết gợi ý hướng nội dung hiển thị theo thói quen, sở thích, quảng cáo tới người dùng một cách sát sao. Chính vì vậy, đây cũng là sân chơi kiếm tiền cho những người sản xuất nội dung. Phải “sáng tạo” hơn nữa.

Những thành viên nổi tiếng trên mạng xã hội có thu nhập khá cao, từ trăm triệu tới cả tỷ đồng mỗi tháng không còn là điều khó khăn. Và đó cũng chính là động lực để họ tiếp tục lôi kéo đám đông giống như tệp khán giả cấp thấp, trẻ tuổi, tò mò y chang thời Lệ Rơi. Họ hình thành một ê-kíp chuyên nghiệp, bất chấp tất cả để kiếm chác.

Cách đây không lâu, người viết bài vô tình xem một đoạn video ngắn quay cảnh hậu trường quá trình sản xuất nội dung cho “Thông Soái Ca”. Một hiện tượng đình đám trên TikTok với cả chục triệu lượt xem những tháng qua. Có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật chính, “Thông Soái Ca” (tên thật là Nguyễn Minh Thông, làm nghề phụ quán ăn tại Hà Nội) có vấn đề về nhận thức nếu như so với người bình thường. Ví dụ một câu thoại đơn giản với 6 từ cũng rất khó khăn để nhớ, nhắc lại, ánh mắt lờ đờ và giọng nói bị đớt. Chưa kể, anh ta cũng có nhiều hành động bất bình thường khác.

Lỗi thuộc về ai?

Tìm hiểu kỹ hơn, được biết đằng sau TikToker nổi tiếng này là cả một ê-kip sản xuất nội dung mạng hùng hậu, chuyên nghiệp. Dễ dàng nhận thấy họ dùng chính những khiếm khuyết nhận thức, hình thể, dung nhan của nhân vật để câu khách. Chìa khóa để thu hút đám đông vẫn là thủ pháp khấp khểnh, lệch chuẩn với diện mạo xấu xí nhưng giàu có, đào hoa, phát ngôn những câu nói văn hoa sâu sắc như… cơi đựng trầu.

“Thông Soái Ca” không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, một Facebooker nổi tiếng khác cũng tạo ra nội dung phản cảm tương tự khi lôi kéo một cậu bé mắc hội chứng down diễn xuất cùng mình trong vô số video nhảm nhí phát trên mạng. Trong các trường hợp này, khó có thể chê trách những người làm trò khùng điên trước ống kính để câu kéo khán giả. Kẻ đáng trách là những người đứng phía sau, sử dụng họ như công cụ mua vui kiếm tiền. Đó là những con người bất chấp, phản nhân văn.

Tất nhiên, thế giới nội dung giải trí trên mạng cũng vẫn còn không ít thành viên có tâm huyết. Sản xuất ra những sản phẩm vui vẻ, lịch lãm, bổ ích, thu hút tập người xem riêng. Nhưng để làm ra những sản phẩm tử tế luôn khó, cần thời gian, sự tỉ mỉ, cẩn trọng, lao động nghiêm túc nên “sân diễn” vẫn tiếp tục bị lấn át bởi những sản phẩm dễ dãi, nhảm nhí và vô nghĩa theo phong cách Khá “Bảnh”, Soái Ca… Dần dà, chúng ùn ứ, chất chồng như đống rác không người dọn.

Khi những sản phẩm giải trí được cho là tồi tệ mà vẫn thu hút được một đám đông khổng lồ thì chắc hẳn phải có ẩn tình bên trong. Điện thoại thông minh đã làm thay đổi nhiều thói quen tốt của con người. Tò mò hơn, lười đọc hơn, xem ngắn hơn, và cũng nhanh quên hơn. Nội dung nhảm tồn tại bởi sự hiếu kỳ không cần thiết, chiếc điện thoại trên tay làm được nhiều điều hữu ích hơn nếu biết lựa chọn, tìm kiếm, thưởng thức những điều có giá trị.

Để trở thành một Phono Sapiens (loài người có trí tuệ sử dụng điện thoại) văn minh đúng nghĩa đâu có khó đến vậy. Chỉ cần biết ngập ngừng, cân nhắc vài giây trước khi ấn xem những nội dung nhảm nhí trên điện thoại cũng đã là một cách giúp đẩy lùi vấn nạn này.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi sự nhảm nhí lên ngôi