Chủ nhật, mấy người bạn đến nhà ông Lanh chơi. Một ông kể:
- Hôm vừa rồi nghe các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội. Khi nói về sự lạm quyền của những người có chức có quyền, Tổng Bí thư bảo đến lúc phải “nhốt” quyền lực vào lồng pháp luật. Mình thấy chí lý thật.
- Đúng thật. Trong dư luận xã hội gần đây ngoài những vụ tham nhũng kinh tế người ta hay nói đến tham nhũng quyền lực. Những thông tin cả cơ quan, cả nhà, cả họ làm quan ở đâu đó cũng để đạt mục đích có quyền lực dù to hay nhỏ và đã có quyền lực thì có tất cả...
- Không ít trường hợp tham nhũng kinh tế “song hành” cùng tham nhũng quyền lực. Có kinh tế để có điều kiện chạy chức chạy quyền, rồi từ vị trí mới tham nhũng nhiều hơn, chức vụ cao hơn. Như vụ cha con nguyên Bộ trưởng Công thương và Trịnh Xuân Thanh vừa xử lý đấy. Lại chuyện cả nhà làm quan, bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ... cũng là lạm quyền thôi. Có những nhà nghiên cứu nói thẳng thừng “nếu cứ để cả họ, cả nhà làm quan “đúng quy trình” thì đến một lúc nào đó quyền lực gia đình sẽ lại lấn át quyền lực Nhà nước, chẳng cơ quan nào kiểm soát được”…
- Cũng nhiều người cho rằng khi một người được giao nhiều quyền mà không kiểm soát được thì dễ trở thành tha hóa. Quyền lực tập trung vào một người thì dẫn đến độc đoán, chuyên quyền. Nhưng theo ông, làm thế nào mà “nhốt” được quyền lực để những người được giao chức vụ, trách nhiệm không đi quá xa giới hạn?
- Giải pháp ấy có ngay ở những điều đầu tiên của Hiến pháp 2013. Tinh thần là Nhà nước ta của dân, do dân, vì dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Vậy thì Đảng phải phát huy quyền làm chủ của dân, xây dựng cơ chế, thể chế để kiểm tra, kiểm soát những cá nhân, tập thể trong thực thi công vụ không thể đi chệch chủ trương, pháp luật. Nhưng để đề phòng sự tha hóa quyền lực thì phải từ khâu tuyển chọn cán bộ, phải chọn những người có đức, có tài, có tâm. Vì quyền lực là khát vọng của không ít người nên khi nắm được rồi thì dễ bị mê hoặc. Nếu không có lập trường, bản lĩnh kiên định thì cũng khó vượt qua những tham vọng khác. Cho nên, để “nhốt” được quyền lực thì ngoài sử dụng “cái lồng thể chế, cơ chế”, cấp trên phải kiểm soát người đứng đầu, người đứng đầu phải tự kiểm soát mình và kiểm soát cấp dưới, cộng sự thực thi chính sách, pháp luật…
- Nếu làm được những điều như ông nói, chắc chắn sẽ hạn chế nhiều những vụ tiêu cực lùm xùm như hiện nay, khi quyền lực đã bị... "nhốt".
ĐỒNG CHÍ