Khi nông dân được học nghề

19/09/2013 08:02

Nhờ được trang bị kiến thức đã giúp cho nhiều lao động nông thôn có nghề để áp dụng vào sản xuất và có nhiều cơ hội tìm việc làm.



Từ khi được học nghề chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Đá Bạc 1, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh)
đã mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2012, gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng từ nuôi gà


Những năm gần đây, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh đã mở được nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho nông dân trong tỉnh. Nhờ vậy, đã giúp cho nhiều lao động nông thôn có nghề để áp dụng vào sản xuất và có nhiều cơ hội tìm việc làm.

Có nghề có khác


Năm 2012, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Đá Bạc 1, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) tham gia học nghề chăn nuôi do Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh mở. Từ đó chị đã thành thạo hơn trong việc chăm sóc, phòng, trị bệnh cho gà. Chị Hương cho biết: "Năm 2010 tôi đầu tư chăn nuôi gà. Nhưng do ít kiến thức nên không dám nuôi nhiều, chỉ từ 500 đến 1.000 con/lứa và tỷ lệ hao hụt cao. Có lứa chết nhiều mất tới 500 con do tôi để gà rét quá, mất nhiệt. Hiện nay, vợ chồng tôi đã tự tin hơn, việc quây úm, sưởi ấm, tiêm phòng trừ bệnh đúng kỹ thuật, đúng thời điểm nên tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể, gà phát triển đều hơn. Cũng nhờ có nghề, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi, đầu tư xây dựng thêm 2 chuồng trại, mỗi năm nuôi được 3 lứa, với số lượng gà từ 8.000 con đến hơn 1 vạn con. Năm 2012, tổng lãi từ nuôi gà của gia đình tôi đạt gần 200 triệu đồng”.

Năm 2011, anh Trần Văn Học ở thôn Viên Chử, xã Kim Tân (Kim Thành) được tham gia lớp học nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Từ đó anh nuôi cá có hiệu quả hơn. Anh Học cho biết: “Năm 2008, tôi đấu thầu đất bãi với diện tích 6.000 m2, đầu tư 200 triệu đồng đào 3 ao, xây 450 m2 chuồng lợn. Bước vào chăn nuôi, kiến thức cũng chỉ học hỏi từ anh em bạn bè nên chưa biết cách xử lý ao, cá chết nhiều nên lãi không cao. Những năm được mùa cá tôi cũng chỉ lãi được 50 triệu đồng. Sau khi học nghề, có kiến thức bài bản, hệ thống, tôi đã tự tin, chủ động hơn trong việc xử lý kỹ thuật về ao, chữa trị bệnh nên tỷ lệ cá chết giảm hẳn, thu lãi cao hơn nhiều so với trước kia. Năm 2012, tôi lãi hơn 100 triệu đồng”.

Nâng cao chất lượng dạy nghề


Những năm gần đây, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm được Hội Nông dân tỉnh đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, tuyển dụng cán bộ, giáo viên. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, kiến thức thực tế. Đến nay, trung tâm có 21 cán bộ, giáo viên, đông gấp 4 lần so với năm 2004 khi mới thành lập, 100% số giáo viên đạt chuẩn. Hiện nay, trung tâm đang dạy 6 nghề gồm: chăn nuôi thú y, trồng trọt - bảo vệ thực vật, may công nghiệp, vi tính, nuôi thủy sản nước ngọt, thêu ren. Với phương châm “mở lớp nào, chắc lớp đó”, trung tâm đã phối hợp với các cấp hội nông dân, cấp ủy chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu học nghề của nông dân, thế mạnh của từng địa phương để mở lớp. Trung tâm thường xuyên đổi mới về nội dung đào tạo, giáo án, giáo trình sát với thực tế, tăng cường thời gian học thực hành tại các hộ, các mô hình sản xuất với phương thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ vậy, hằng năm, trung tâm mở được từ 20 - 30 lớp dạy nghề cho từ 700 - 1.000 học viên, số lớp, số học viên tăng gấp 4 - 5 lần so với năm 2005. Từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã mở 34 lớp dạy nghề tại 30 cơ sở của 9 huyện, thị xã gồm: Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Bình Giang, Nam Sách, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Chí Linh cho gần 1.200 học viên. Trong đó, trung tâm mở được 6 lớp chăn nuôi cho 210 học viên, 3 lớp chăn nuôi - trồng trọt cho 105 học viên, 6 lớp trồng trọt - bảo vệ thực vật cho 245 học viên, 14 lớp thủy sản cho 490 học viên, 5 lớp may công nghiệp cho 175 học viên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh, các học viên tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp và phi nông nghiệp đều nắm được các kiến thức kỹ thuật cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp, được tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, tự chuyển đổi được nghề, tự tạo việc làm tại chỗ và tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp. Học viên sau khi học xong nghề đã phát huy hiệu quả trong sản xuất và tìm kiếm việc làm mới đạt từ 80% trở lên. Đối với các nghề nông nghiệp, học viên cơ bản đều áp dụng hiệu quả trong sản xuất, nhiều hộ đã mở rộng quy mô, diện tích, số lượng cây trồng, vật nuôi.

Trong thời gian tới, trung tâm chú trọng đến việc dạy các nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn để giúp hội viên nông dân nâng cao giá trị sản xuất. Phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, giải quyết việc làm cho 100% số học viên tốt nghiệp sơ cấp may công nghiệp.

VIỆT CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân được học nghề