Khi người trẻ ỷ lại vào gia đình

06/08/2017 08:00

Hiện nay, nhiều bạn trẻ trì hoãn đi làm với nhiều lý do, trở thành gánh nặng cho gia đình.



Thay vì đi làm, nhiều thanh niên thường la cà quán xá buôn chuyện gẫu


Ra trường đã nhiều năm nhưng sau khi đi làm cảm thấy không phù hợp, không được làm việc đúng chuyên ngành, bị đồng nghiệp chèn ép... một số bạn trẻ đã quyết định trì hoãn đi làm, trở thành gánh nặng cho gia đình.

Đủ lý do để không đi làm

Sau 6 năm học Khoa Y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Hà Nội, khi ra trường, nhờ sự hỗ trợ của gia đình, N.T.A.N. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã vào làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương. Nhưng chỉ được khoảng 2-3 tháng, N. đã xin nghỉ làm với lý do bị đồng nghiệp bắt nạt, chèn ép, môi trường làm việc không thuận lợi... Và từ năm 2011 đến nay, N. vẫn ăn bám vào gia đình.

Không giống như N., bạn T.T.T.T. sinh năm 1990 cũng ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã từng đi làm đúng chuyên ngành được học tại tỉnh Bình Thuận. Sau khi lấy chồng, sinh con, đầu năm nay cả gia đình T. lại về sống cùng bố mẹ tại Hải Dương. Do mới chuyển về môi trường mới nên hiện cả hai vợ chồng T. đều chưa tìm được việc làm. 

N.H.A. sinh năm 1989, ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) học chuyên về công nghệ, ra trường từ năm 2011. Do có giọng hát hay và ước muốn làm ca sĩ nên đã có thời gian A. vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Sau nhiều năm không có kết quả, A. về nhà học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc để tiếp tục... chờ cơ hội không biết bao giờ mới tới.

Gánh nặng cho gia đình

Do không đi làm nên nhiều bạn trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình. Một người họ hàng của N. cho biết: “Ra trường vài năm thì N. lấy chồng. Lúc thì N. ở nhà, lúc thì N. sang nước ngoài ở cùng chồng đang du học. Hiện tại tôi vẫn thấy cô ấy thỉnh thoảng về xin tiền người thân”.

Anh A. thì được coi là nguyên nhân khiến cuộc sống gia đình luôn căng thẳng. Đến nay dù đã gần 30 tuổi, đã có vợ con và một gia đình nhỏ của riêng mình nhưng anh vẫn không tìm được hướng đi cho bản thân, mải mê lúc thì học thêm cái nọ, lúc thì học thêm cái kia và mơ mộng một ngày vụt sáng trở thành... ngôi sao. Chị Đ.T.D., vợ của anh A. cho biết, do chồng không kiếm được việc làm nên mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt, nuôi con... đều đổ lên vai chị. Vì vậy dù đã có công việc ổn định ở một cơ quan nhà nước tại TP Hải Dương nhưng chị D. vẫn phải vất vả làm thêm để kiếm tiền. "Mãi không có việc làm đúng sở thích nên anh ấy rất chán nản. Dù đã cố gắng động viên chồng quyết tâm tìm việc nhưng gần đây anh ấy như buông xuôi, nhiều hôm bỏ về nhà ông bà nội. Cuộc sống gia đình tôi nhiều khi rất ngột ngạt", chị D. buồn bã chia sẻ.

"Mãi không có việc làm đúng sở thích nên anh ấy rất chán nản. Dù đã cố gắng động viên chồng quyết tâm tìm việc nhưng gần đây anh ấy như buông xuôi."


Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc nuôi thêm một người có lẽ không phải là vấn đề lớn. Nhưng với nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì việc phải nuôi thêm con cháu khiến họ thêm gánh nặng. Gia đình T. là một ví dụ. Bố T. làm nghề đạp xích lô, mẹ T. bán xôi ở chợ Hải Tân. Dưới T. còn có một cậu em trai đang học đại học. Hiện nay bố mẹ T. không chỉ nuôi người con đang đi học mà còn phải nuôi cả con gái, con rể và cháu ngoại bằng thu nhập từ gánh xôi và chiếc xe xích lô cà tàng. “Hai vợ chồng tôi đã có tuổi, bình thường chi phí sinh hoạt, lo cho con trai học đại học còn phải cân đối mãi may ra mới đủ, giờ lại phải nuôi thêm mấy miệng ăn nữa nên thực sự quá vất vả, nhiều lúc không biết phải xoay xở ở đâu", mẹ T. than thở.

Nhiều người không đồng tình với cách sống như trên của các bạn trẻ. Theo anh Vũ Văn Duy, Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, dù số lượng thanh niên có tư tưởng ỷ lại, sống dựa dẫm vào gia đình không nhiều nhưng đây là một vấn đề đáng báo động. Do quen với việc ỷ lại vào người khác nên những thanh niên này ngày càng trở nên lười nhác, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống... Họ dần mất phương hướng khi cuộc sống thay đổi, từ đó không thể thích nghi được với những yêu cầu công việc trong xã hội hiện đại.

Để hạn chế tình trạng này, các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể giúp học sinh, sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm; phối hợp với gia đình, xã hội giáo dục cho các bạn trẻ ý thức tự lập, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sống. Anh Duy nhận xét: "Bên cạnh các hoạt động giáo dục của nhà trường, mỗi thanh thiếu niên cần tự rèn luyện cho mình tính cách tự lập, vượt khó để đáp ứng được đòi hỏi công việc ngày càng cao của xã hội hiện đại, hình thành lối sống có trách nhiệm đối với chính bản thân, gia đình, tạo nên ý thức và giá trị sống tốt đẹp cho xã hội".

BÌNH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người trẻ ỷ lại vào gia đình