Khi nghị quyết thành hiện thực

01/05/2022 09:30

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện, nhiều huyết mạch giao thông trong tỉnh đã và đang được hình thành, nối liền, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của các địa phương phát triển.


Đường huyện 190D đoạn qua xã Thanh Hải (Thanh Hà) được cải tạo, nâng cấp góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn địa phương

Gỡ nút thắt

Những ngày này, người dân thị trấn Nam Sách và các xã có đường trục đông-tây huyện đi qua háo hức khi công trình đang dần hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đây là công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Sách nhiệm kỳ 2020-2025.

Với chiều dài trên 9 km, công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng nay đã hoàn thành 97% khối lượng, cơ bản xong phần nền đường, hệ thống cầu cống và đang trải thảm bê tông át-phan theo đúng tiến độ thi công. Những thôn, làng, cánh đồng xa trung tâm, xa các con đường chính nay có tuyến đường chạy qua đã làm thay đổi hẳn diện mạo, tạo khí thế mới để các địa phương đi lên. Đạp xe tập thể dục trên con đường mới khang trang, ông Nguyễn Trung Bao ở khu dân cư La Văn Cầu (thị trấn Nam Sách) phấn khởi cho biết chưa từng nghĩ có con đường to đẹp nối liền từ thị trấn về các làng quê như thế này. "Không những đi lại thuận lợi mà bộ mặt nông thôn chắc chắc cũng sẽ khởi sắc hơn. Từ khi mặt đường được trải thảm, chiều nào tôi cũng ra đây đạp xe. Trước cứ phải ra đường dẫn cầu Hàn vừa bụi bặm, vừa đông xe nguy hiểm lắm chú ạ", ông Bao hồ hởi nói.

Ở điểm cuối của tuyến đường, người dân thôn Mạc Bình, xã Thái Tân (Nam  Sách) cũng chung niềm vui với ông Bao khi đoạn đường lên trung tâm huyện nay đã gần lại. Trước đây, muốn lên thị trấn người dân phải đi đường đê tả sông Thái Bình hoặc đi qua đường đất nhỏ ngang qua cánh đồng. Nay có tuyến đường rộng 10 m đi qua tới cổng làng nên ai cũng phấn khởi. Từ điểm cuối này, huyện Nam Sách dự kiến sẽ khởi công nâng cấp đoạn đường nối tuyến đường đến cống Mạc Bình để thực hiện kế hoạch xây dựng cảng nội địa du lịch huyện Nam Sách ở sông Thái Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. "Ngay từ khi huyện có chủ trương làm đường, người dân trong xã đã rất vui mừng, đồng thuận cao. Chính vì vậy công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng, không gặp khó khăn, vướng mắc lớn nào. Một số hộ còn tự nguyện bàn giao mặt bằng trước, nhận tiền đền bù sau để phục vụ thi công cho kịp tiến độ", đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thái Tân Hoàng Ngọc Hưởng chia sẻ.

Cùng với tuyến đường trên, 2 trong 7 công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Sách nhiệm kỳ 2020-2025 sắp hoàn thành. Đó là tuyến đường phía nam và phía bắc sông trung thủy nông (từ cầu Mạc Thị Bưởi, thị trấn Nam Sách đến ngã tư đường dẫn cầu Hàn, xã Hồng Phong) đạt 98%; tuyến đường nối quốc lộ 37 với tuyến đường vành đai 5 (từ xã An Lâm đi các xã An Bình, Cộng Hòa) đạt 85%. Ông Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cho biết: "Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phát triển hạ tầng giao thông là công việc đột phá trong nhiệm kỳ nên đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện.Với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực lớn, đến cuối nhiệm kỳ này, huyện Nam Sách sẽ có hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ, hiện đại, tạo những không gian phát triển mới".

Sức sống mới

Về xã Thanh Hải (Thanh Hà) sau 2 năm, tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở nơi này. Gần 1,3km đường huyện 190D qua địa bàn xã đã được hoàn thiện nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng. Mặt đường trải bê tông nhựa rộng 7,5 m khiến cho thôn An Liệt khang trang tựa như một khu đô thị mới. Hai bên đường đủ các hàng quán dịch vụ, siêu thị mini tấp nập, nhộn nhịp. Vỉa hè lát đá mới, những ngôi nhà cao tầng ngay ngắn. Có lẽ không mấy ai nghĩ đây là đường trong một ngôi làng, một con đường ở nông thôn. “Từ ngày đường được cải tạo, nâng cấp, bộ mặt làng quê khác hẳn, người dân buôn bán hai bên đường rất sầm uất. Các cháu học sinh đi học, công nhân đi làm qua con đường này an toàn, thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Văn Chuẩn, một hộ dân sinh sống bên mặt đường cho biết.

Tuyến đường trên là 1 trong 5 công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Hà lần thứ XXV. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong tháng 5 tới, 3 công trình trọng điểm khác của huyện sẽ hoàn thành, đồng loạt đưa vào khai thác sử dụng. Trong đó cầu sông Hương là công trình quan trọng kết nối đường liên xã Cẩm Chế - Tân Việt (Thanh Hà) với xã Quyết Thắng (TP Hải Dương). Cầu dài 76,5 m, mặt cắt ngang rộng 10,5 m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ tạo sự liên kết vùng cho huyện Thanh Hà, rút ngắn khoảng cách từ Thanh Hà đến TP Hải Dương và góp phần giảm mật độ lưu thông chính cho khu vực phía bắc của huyện và đường 390 qua địa bàn.

Cũng giống như các huyện Nam Sách, Thanh Hà, huyện Thanh Miện xác định tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Khởi công từ tháng 1.2021, đến tháng 2 vừa qua, công trình trọng điểm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành theo đúng tiến độ, đó là dự án cải tạo, nâng cấp gần 5 km đường Cao Thắng-Tiền Phong đi qua 4 xã Cao Thắng, Chi Lăng Bắc, Chi Lăng Nam và Hồng Phong với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã phía tây nam huyện Thanh Miện, công trình trên cũng hứa hẹn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở Đảo Cò khi du khách có thêm tuyến đường tốt hơn, ngắn hơn để đến đây tham quan.

Xác định tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, tỉnh Hải Dương đang tập trung đầu tư 35 dự án mới, tổng mức đầu tư gần 27.000 tỷ đồng; đồng thời, giao cấp huyện tổ chức thực hiện đầu tư 16 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức hơn 17.000 tỷ đồng. Những thành quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã và đang thành hiện thực, tạo nên diện mạo, sức sống và động lực để Hải Dương và các địa phương trong tỉnh phát triển bứt phá.

 HOÀNG PHẠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nghị quyết thành hiện thực