Hỏi: Thấy trên nhiều trang mạng chia sẻ thông tin từ ngày 1.1.2021, tiền lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ, xin hỏi thực hư vấn đề này như thế nào?
ĐÌNH CƯỜNG (TP Hải Dương)
Trả lời: Khoản 1 điều 94 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021) quy định: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ). Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp”.
Trường hợp NLĐ bị bệnh, nằm viện… không thể đến nhận lương trực tiếp mà phải có người nhận thay thì mới được ủy quyền. Ví dụ, chồng có sức khỏe bình thường, đủ khả năng để đến công ty nhận lương, nhưng vợ khuyên chồng không đến mà ủy quyền cho vợ hoặc yêu cầu công ty chuyển tiền lương của chồng qua tài khoản của vợ thì cũng không được.
Trường hợp người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp, có nghĩa là cho dù đáp ứng điều kiện nêu trên nhưng người sử dụng lao động từ chối trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp thì cũng không được nhận lương thay; vì luật quy định là có thể chứ không quy định bắt buộc; chỉ khi nào người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người nhận thay theo ủy quyền thì mới được nhận thay.
Thực tế, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi chính đáng của NLĐ, tránh bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền lương của NLĐ thì nhiều công ty không cho người khác nhận thay tiền lương. Nếu NLĐ bị bệnh không thể đến công ty nhận lương thì công ty sẽ cử người đến phát lương tận tay NLĐ.