Tư vấn

Khi nào đi xe máy chở 3 người không bị xử phạt?

Theo VTC 28/08/2023 - 10:51

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân trong đó quy định trường hợp đi xe máy chở 3 người nhưng không bị xử phạt.

Theo đó một số trường hợp người người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy có thể được chở tối đa 2 người.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến người dân, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý, tác động trực tiếp và nhiều hơn đến người điều khiển phương tiện so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Theo đó một số trường hợp người người lái xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy có thể được chở tối đa 2 người.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Tại Điều 31. Người lái xe, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy có quy định: Người lái xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa 2 người: Chở người bệnh đi cấp cứu; Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; Trẻ em dưới 14 tuổi; Người già yếu hoặc người khuyết tật.

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm 1 trường hợp là nhóm người già yếu, người khuyết tật vào đối tượng mà người điều khiển xe máy được chở thêm tối đa 2 người.

Xử phạt vi phạm đối với hành vi chở ba người khi đi xe máy:

Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nêu rõ:

Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); Chở theo từ 3 người trở lên trên xe."

Ngoài hình phạt chính, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điểm b, khoản 10 của Điều này như sau: Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.

Trường hợp hành vi vi phạm giao thông đường bộ mà gây thiệt hại về người, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 ( Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định: Người tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác theo các trường hợp: Gây chết người; Gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho một người từ 61% trở lên; Gây thương tích, tổn hại sức khỏe 61% - 121% đối với hai người trở lên; Gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đến 500 triệu thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng thời sẽ phải chịu phạt phạt tù từ 1- 5 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ với thời hạn đến 3 năm.

Ngoài ra, người vi phạm lỗi chở 3 còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của điều 591 Bộ luật dân sự 2015 với những thiệt hại sau: Thiệt hại về sức khỏe; Chi phí cho việc mai tang; Tiền cấp dưỡng cho những người liên quan theo quy định; Các thiệt hại khác theo quy định của luật; Bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần theo quy định.

Theo VTC
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nào đi xe máy chở 3 người không bị xử phạt?