Trong ngày làm việc đầu tiên của xuân mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018.
Trong đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Nội dung này không mới, song năm nào cũng phải nhắc cho thấy tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tranh thủ đi lễ hội, đền chùa trong ngày làm việc vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Ngày 21.2, các cơ quan hành chính, sự nghiệp khai xuân. Trong khi nhiều đơn vị khẩn trương bắt tay vào công việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp thì còn không ít nơi có tâm lý “từ từ”, “mới Tết xong chưa việc gì phải vội”. Lướt trên Facebook cũng không hiếm gặp những tấm hình “cơ quan ta”, “phòng ta” đi đền này, chùa nọ. Hình ảnh không nói rõ người ta chụp lúc nào, ngày nào nhưng không ai dám chắc 100% không phải trong giờ hành chính. Thậm chí hoạt động đi lễ hội đầu năm của cán bộ nhà nước trong ngày làm việc nhiều khi được hợp lý hóa bằng việc dẫn đoàn của đơn vị bạn đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Có đơn vị thay vì dùng xe “biển xanh” lại dùng xe “biển trắng” của cá nhân để tránh bị phát hiện. Mấy năm trước còn có chuyện cán bộ cấp cao của ngành nọ làm lễ giải hạn, hầu đồng khoa trương, tốn kém khiến dư luận bức xúc.
Đi lễ hội, chiêm bái, cầu may dịp đầu năm là nhu cầu bình thường của người dân. Ở một góc độ nào đó, đây được coi là một nét văn hóa của người Việt. Nhưng đi vào lúc nào và đi như thế nào lại là vấn đề cần bàn. Việc Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không đi lễ hội trong giờ hành chính rõ ràng đã phát huy tác dụng khi nhiều cơ quan chuyển sang đi lễ đầu năm vào ngày nghỉ. Chuyện lãnh đạo cơ quan, địa phương không dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công cũng góp phần giảm bớt bức xúc của dư luận trước việc “người nhà nước” lạm dụng xe công, giờ công cho mục đích cá nhân. Vấn đề còn lại là làm sao để giảm những thủ tục rườm rà, những “mâm cao, cỗ đầy” của cơ quan nhà nước khi “dâng lễ”, biến tín ngưỡng dân gian thành hoạt động mang màu sắc mê tín hoặc dành một số “đặc quyền, đặc lợi” cho người nhà nước trong hoạt động lễ hội, gây bất bình trong nhân dân.
Một mùa lễ hội mới bắt đầu. Để thực sự có được không khí “vui như hội”, mỗi người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức cần xây dựng cho mình “văn hóa trẩy hội” để nêu gương trước quần chúng nhân dân. Văn hóa ấy không chỉ là việc giữ vệ sinh, trật tự, nếp sống văn minh nơi đền, chùa, khu di tích mà còn là cách hành xử đúng mực, đúng với truyền thống, bản sắc văn hóa của từng lễ hội. Lẽ dĩ nhiên, còn việc quan trọng nữa là thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, không bớt xén thời gian làm việc nhà nước để đi hội hoặc du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
NGUYÊN ANH