Nhiều người dùng nước tẩy có mùi chanh, cam để lau sàn và bật đèn để nhìn rõ vết bẩn, tuy nhiên, sự kết hợp này tạo ra bụi siêu mịn.
Các sản phẩm làm sạch có mùi thơm chanh và chất tẩy có thể tạo ra chất gây ô nhiễm trong nhà. Ảnh: Pixabay.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology ngày 2.10, các nhà khoa học phát hiện các khí trong chất tẩy trắng khi kết hợp với ánh sáng và hợp chất limonene trong vỏ cam, chanh, quýt sẽ tạo ra hợp chất SOAs gây ô nhiễm.
Nước tẩy trắng chứa hợp chất clo như axit hypochlorous (HOCl) và clo (Cl2) có thể tích tụ nhiều trong nhà, đặc biệt là nhà thông gió kém. Những loại khí này sẽ phản ứng với các hóa chất khác thường thấy trong nhà như limonene - một hợp chất có mùi cam hoặc chanh được thêm vào nhiều sản phẩm tẩy rửa và làm mát không khí. Ngoài ra, ánh sáng trong nhà hoặc ánh nắng mặt trời qua cửa sổ có thể tách HOCl và Cl2 thành gốc hydroxyl và nguyên tử clo, phản ứng với các hợp chất khác để tạo thành các hạt không khí gọi là aerosol, khí hữu cơ thứ cấp (SOAs).
Để hiểu rõ hơn quá trình hình thành ô nhiễm không khí trong nhà, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto và Đại học Bucknell ở Pennsylvania sử dụng buồng kín để kích hoạt phản ứng giữa limonene, clo và HOCl. Trong bóng tối, limonene và HOCl/Cl2 nhanh chóng phản ứng để tạo ra nhiều hợp chất dễ bay hơi. Khi nhóm nghiên cứu bật đèn huỳnh quang hoặc đưa ánh sáng mặt trời vào buồng, các hợp chất dễ bay hơi này đã kết hợp với gốc hydroxyl và nguyên tử clo tạo thành SOAs.
SOAs là thành phần chính của bụi siêu mịn. Những hạt nhỏ này có thể gây ra khói mù và đi sâu vào phổi gây bệnh.
Theo VnExpress