Thay vì nhận xét học sinh theo cách tế nhị, riêng tư, nhiều giáo viên không ngần ngại dùng mọi ngôn từ chì chiết, chế giễu để đánh giá các em.
Môi trường học đường hiện đại, phương tiện liên lạc, kết nối giữa phụ huynh và giáo viên (GV) dễ dàng thông qua các mạng xã hội. Nhưng cũng từ đây, những câu chuyện "cười ra nước mắt" khi GV lôi các tật xấu, khiếm khuyết của học sinh (HS) công khai cho mọi người cùng biết, bằng những ngôn từ "gây sát thương".
Nhạo báng, chế giễu học sinh
Mới đây, trước khi kết thúc học kỳ II, chị Cao Minh Trang, một phụ huynh tại Trường Tiểu học H.V.N (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), đã có buổi làm việc với hiệu trưởng và GV về tình huống chị cho rằng "không chấp nhận nổi". Chị Trang làm biên tập viên của một tờ tạp chí tại TP Hồ Chí Minh, công việc giờ hành chính và đòi hỏi sự tập trung cao nhưng GV chủ nhiệm lớp 2 của con chị lại có cách thông báo đến phụ huynh không giống ai.
Lớp có lập một group trên Zalo để GV và phụ huynh thông tin với nhau. Nhưng thay vì chỉ nhắn những tin tức quan trọng, liên quan đến thông báo, nội quy của lớp, trường để cùng thảo luận thì GV này nói bất kể chuyện gì mà cô ấy có. Từ chuyện chị lao công trong trường mới ly hôn hay chuyện một thầy giáo khác nào đó vay nợ bên ngoài. Có lần, GV này còn giả bộ… nhắn nhầm vào nhóm rằng mình đang khó khăn, không biết nhờ ai giúp. Mục đích là kêu khổ với phụ huynh và vay tiền. Nhưng điều khó chấp nhận nhất là GV nhận xét kết quả học tập của HS nhưng lại nhắn công khai cho tất cả phụ huynh cùng biết thay vì gửi kết quả cho riêng từng người.
Cách cư xử của giáo viên ảnh hưởng lớn đến tinh thần của học sinh. Ảnh chỉ có tính minh họa
"Có lần, GV nhắn trong nhóm hơn 40 phụ huynh nhận xét con tôi là bạn H.N học dốt, suốt ngày lo ăn. Đến lúc mập như con heo thì biết, cả lớp cũng công nhận bạn H.N học dốt" - chị Trang kể.
Trường hợp như chị Trang không phải hiếm, nhiều phụ huynh trên các diễn đàn làm cha, mẹ chia sẻ những tình huống "cười ra nước mắt", thậm chí phẫn nộ với những nhận xét "vô duyên", phản sư phạm của một số GV. Mới đây, trong diễn đàn "Con đi học…", một phụ huynh đã phải cầu cứu để tìm cách phản hồi với GV. Phụ huynh này viết có hôm con đi học về mặt rất buồn, hỏi thì được biết ở lớp, con bị làm nhân vật chính của một trò đùa do chính GV khởi xướng.
"Cô giáo cho con đứng lên rồi hỏi cả lớp có công nhận ai trong đây cũng có thể vào đội văn nghệ, trừ bạn K.A không? Bạn K.A vừa mập vừa lùn, mập gì mà như lấy hết mỡ của người khác. Rồi hỏi cả lớp, ai đồng ý thì giơ tay. Chưa hết, có lần một bạn trong lớp bị mất đôi giày trong giờ học thể dục, GV cũng hướng ánh nhìn về con rồi nói với cả lớp: Còn ai vào đây…" - phụ huynh này kể.
Người lớn nên ngưng phán xét trẻ
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều hành vi trong môi trường học đường tuy không gây tổn thương về thân thể nhưng có tầm "sát thương" còn kinh khủng hơn, đó là bạo lực bằng lời nói, bằng thái độ. Lôi ngoại hình, tính cách người khác để chế giễu, xúc phạm không chỉ là hành động thiếu tế nhị và còn phản sư phạm nếu hành vi đó xuất phát từ GV.
Theo tiến sĩ giáo dục - tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, với rất nhiều người, giá trị bản thân được đo lường qua đánh giá của những người xung quanh. Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng khi con người bị xúc phạm lòng tự trọng, phần lớn đều rơi vào trạng thái tiêu cực như căng thẳng, giận dữ, buồn rầu, thậm chí trầm cảm…
Do đó, khi bị tổn thương lòng tự trọng, nếu cá nhân thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc, giao tiếp ứng xử thì chắc chắn sẽ chìm đắm trong trạng thái cảm xúc tiêu cực và bế tắc. Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng ngoài việc gia đình, nhà trường hỗ trợ trẻ rèn luyện tốt hơn nữa các kỹ năng như giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc… để tự vượt qua các áp lực thì những người xung quanh cũng nên học cách ứng xử khéo léo, tế nhị và tôn trọng người khác, kể cả khi người đó mắc sai lầm, để tránh khiến họ bị tổn thương tâm lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cũng nhận định sự nhầm lẫn trong đánh giá một hành động với nhân cách con người dường như đã trở thành căn bệnh khó chữa của nhiều người. Người lớn luôn cho mình quyền được dán nhãn trẻ con một cách vô tội vạ. Họ không nhận thấy những từ ngữ tiêu cực đó có khả năng trở thành nỗi ám ảnh với đứa trẻ cho tới khi lớn lên. Nghe người lớn nói quá nhiều về mình như một đứa trẻ hư hỏng, đứa trẻ đó có thể sẽ dần tin rằng mình là "đồ bỏ đi", đồ hết thuốc chữa. Khi đứa trẻ đã mất niềm tin vào bản thân thì lớn lên sẽ thế nào?
Đánh giá bằng sự tiến bộ của học sinh Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá HS tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS. Trong đó, đánh giá thường xuyên được sử dụng bằng nhiều phương pháp linh hoạt như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của HS, kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Trong khi đó, tại TP HCM, theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP, đối với HS lớp 1, GV không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những HS học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, HS. |