Áp lực công việc, lương thấp, cuộc sống nhàm chán... là những nguyên nhân khiến nhiều công nhân rơi vào trạng thái stress, sa sút tinh thần, thậm chí có người tự tử.
Các doanh nghiệp cần tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân. Trong ảnh: Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức cho công nhân thi kéo co tại khu công nghiệp Đại An
Nhiều áp lực
Làm công nhân được 5 năm, chị Hoàng Thị T. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) không ít lần bị áp lực công việc đè nặng. Năm 2013, khi bắt đầu vào làm cho Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam, chị T. bị giao thêm nhiều việc khác nằm ngoài hợp đồng lao động. Thậm chí có lần chị T. còn bị công ty giao cho ngồi ở cổng để đếm số người thai sản đi làm và về có đúng giờ không. Biết mình bị lợi dụng làm nhiều việc, là chân sai vặt của nhiều người nhưng chị T. không dám than vãn một lời vì muốn nhận đủ tiền lương mỗi tháng. Không chỉ giao nhiều việc, chị T. còn nhiều lần bị cấp trên mắng nhiếc, xúc phạm.
Sau ba năm cố gắng làm việc ở đó, cuối cùng chị T. quyết tâm đi tìm việc mới. Chị T. chia sẻ: “Thời điểm đó tôi thấy rất áp lực, lúc nào đi làm về cũng mệt rã rời, không muốn ăn uống. Lúc ngủ cũng bị công việc ám ảnh. Tôi sợ sáng mai thức dậy lại phải làm những công việc mệt mỏi đó. Nhiều khi tôi chỉ muốn bỏ đi đâu đó thật xa”. Sau đó chị T. đến làm tại một công ty ở khu công nghiệp Đại An nhưng tình hình không được cải thiện. Chị vẫn phải làm nhiều việc không ghi trong hợp đồng. Chị T. đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên để mong được san bớt công việc cho người khác nhưng đều bị phớt lờ. Thu nhập hiện tại của chị T. chỉ được 5,5 triệu đồng/tháng mà ngày nào cũng phải đến 20 giờ mới được về. Chị T. cho biết: “Công nhân hằng ngày đến công ty làm như một cái máy, đã thế còn bị chửi bới. Chỉ cần một lỗi nhỏ thôi đã bị quản lý mắng, mặc dù quản lý hay chuyền trưởng đều là người Việt Nam”.
Đồng lương ít ỏi trong khi gánh nặng gia đình ngày càng tăng khiến nhiều công nhân dần rơi vào bế tắc, có người không vượt qua nổi áp lực đã tìm đến bước đường cùng. Chị Ví Thị Khăn (quê ở Sơn La) là một trường hợp như vậy. Theo Công an xã Kim Xuyên (Kim Thành), chị Khăn là công nhân của Công ty TNHH Giấy Việt Hảo ở thôn Quỳnh Khê. Do lương thấp, chồng lại thường xuyên cờ bạc, nợ nần nên mỗi lần có lương, chị đều dồn tiền để trả nợ cho chồng nhưng anh này vẫn chứng nào tật nấy. Khó khăn dồn nén khiến chị cùng quẫn tự tử.
Cuộc sống nhàm chán
Điệp khúc sáng ra đi làm, chôn chặt chân trong công ty đến tận 20 giờ mới được về lặp đi lặp lại khiến cuộc sống của công nhân trở nên đơn điệu, nhàm chán. Công việc của họ ít có cơ hội tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người. Chị Nguyễn Thị Hương quê ở huyện Nam Sách đang làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) buồn rầu cho biết: "Tôi tự thấy các mối quan hệ giao tiếp của mình dần thu hẹp lại. Về nhà mệt mỏi chỉ muốn ngủ mà không muốn nói chuyện với ai, ngay cả những người thân trong gia đình cũng trở nên xa cách".
Không riêng chị Hương, nhiều công nhân khác cũng vậy. Bước chân vào công ty, họ phải làm việc liên tục trong một guồng máy. Lúc nghỉ giải lao buổi trưa hay buổi chiều tối ai cũng vội vàng ăn bát cơm, uống ngụm nước rồi lại vào làm tiếp. Khi nghỉ làm thì trời đã muộn, không ai còn thời gian để nói chuyện với nhau mà chỉ vội về nhà.
Stress trong công việc khiến cho công nhân thường rơi vào tình trạng suy kiệt về cả thể chất lẫn tinh thần. Chị Hoàng Thị T. cho biết 5 năm nay chị không tăng được cân nào. Ngồi ăn cơm hay đi ngủ cũng không được thảnh thơi vì luôn bị ám ảnh bởi những lời mắng mỏ của cấp trên. Stress trong công việc còn dễ gây ra lo âu, mất tập trung chú ý, mất tự tin, có cảm giác thất vọng. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ công nhân như tạo sân chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân không phải công ty nào cũng quan tâm tổ chức. Anh Bùi Hải Bằng, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị (Tỉnh đoàn) cho biết hằng năm Tỉnh đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ tổ chức "Ngày hội thanh niên công nhân" ở một số khu công nghiệp. Các hoạt động mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn chứ chưa lan tỏa rộng rãi. Lực lượng công nhân hiện nay hầu hết ở độ tuổi thanh niên nhưng ít doanh nghiệp thành lập được tổ chức Đoàn nên khó tiếp cận tuyên truyền, tổ chức các chương trình.
Để giảm tình trạng stress trong công nhân, các cấp, các ngành, đặc biệt là chủ doanh nghiệp cần vào cuộc, có biện pháp hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Các doanh nghiệp cần tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí nhằm giảm áp lực công việc cho công nhân, khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn.
MINH NGUYỆT