Thấy chị Nhung vừa cầm tờ giấy đọc vừa cười ngặt nghẽo, anh Phan chồng chị hỏi:

- Có cái gì mà em cười như địa chủ được mùa thế?

- Ôi, em đến vỡ bụng mất, cuối ngày lại được mười thang thuốc bổ.

Nói rồi chị đọc to bài văn tả thầy giáo dạy môn kỹ năng sống của cậu con trai. Bài có đoạn: "Mắt thầy tròn như hai quả trứng gà. Môi thầy chúm chím đỏ như bông hoa hồng...". Thằng bé nghe mẹ đọc bài rồi cười như thế tỏ vẻ không vui. Anh Phan thấy thế liền nhéo chị Nhung, rồi anh quay vào bếp, cầm lên một quả trứng gà và ôn tồn hỏi con:

- Con nhìn quả trứng gà này thế nào? Bố ướm thử lên gần mắt bố xem có to bằng quả trứng gà không nhé?

Thằng bé nhìn động tác của bố rồi lắc đầu. Anh Phan liền giảng giải:

- Mắt bố với mắt thầy chắc tương đương nhau và cũng chỉ to hơn mắt của mẹ con hay con một chút thôi. Lần sau con tả ai, tả cái gì thì phải ví với cái gì gần giống nhất nhé.
Rồi anh Phan lại lấy ngay quả hồng xiêm bửa ra rồi chỉ vào một cái hạt và hỏi:

- Con thấy sao?

Mắt thằng bé sáng lên, nó reo:

- A, mắt bố giống như hạt hồng xiêm bố nhỉ?

- Đúng rồi con! Con thấy có dễ không nào?

Quan sát hai bố con anh Phan trò chuyện, chị Nhung thầm khâm phục chồng. Lâu nay, mỗi lần thấy con viết văn câu cú còn ngô nghê, chị không lựa cách giảng giải, hướng dẫn con mà hay đem văn con ra đọc rồi cười. Vì thế, thằng bé thường giấu nhẹm những bài văn của nó, thi thoảng chị mới tìm thấy thì nghĩ con viết bài nào đọc cũng rất nuột nà. Sáng hôm sau, chị đem chuyện viết văn, học văn của con kể với các đồng nghiệp cùng cơ quan, chị Nhàn liền nói:

- Bài văn gốc của đứa nào đọc mà chả ngô nghê. Nhưng cứ yên tâm, với công nghệ dạy văn của các cô, văn đứa nào cũng hay tuốt. Chỉ có điều đó là những bản sao na ná nhau và không sát thực tế thôi.

- Sao lại là công nghệ dạy văn hả chị?- cô Linh trẻ nhất phòng hỏi.

- Cô chưa có con cái đi học nên không biết đó thôi. Thông thường với một đề văn, cô sẽ cho những gợi ý sẵn để các con tự viết. Rồi cô sửa dựa trên bài văn đó. Nhưng qua tay cô, những câu từ ngô nghê bị gọt hết sạch, câu nào, bài nào cũng trở nên nuột nà, "xinh lung linh". Vì thế, ông bố nào cũng cao to, đẹp trai, mẹ nào cũng có nước da trắng hồng, dáng người mảnh mai, mặc dù thực tế không phải như vậy.

- Xong các con về chỉ việc học thuộc lòng. Đấy là lý do vì sao bài văn nào của cu Vịnh nhà cô Nhung đọc cũng nuột nà nhưng khi xem bài văn gốc của con thì bố mẹ sẽ ngã ngửa vì chất lượng khác hẳn- chị Ngà góp chuyện.

- Chết, văn là người mà dạy văn kiểu này thì gay nhỉ?- cô Linh thở dài.

KIM THANH

(0) Bình luận
Khi con học văn