Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho rằng những vở cải lương về người chiến sỹ cách mạng lấy nước mắt của khán giả nhờ chất bi hùng tráng bởi những khổ đau của nhân vật xuất phát từ lý tưởng lớn lao..
Một cảnh trong vở cải lương 'Hừng đông' do Nhà hát cải lương Việt Nam thực hiện
Những năm gần đây, các đơn vị sân khấu cải lương đã tích cực dàn dựng những vở diễn về đề tài cách mạng. Đã có nhiều kịch bản hay, cách thể hiện mới mẻ làm nên những vở diễn xúc động.
Có thể nói rằng, những vở cải lương về đề tài kháng chiến tiếp tục viết thêm những trang sử hào hùng bằng ngôn ngữ nghệ thuật, để những thế hệ sau hiểu hơn về những người đã ngã xuống cho độc lập vẻ vang của dân tộc.
Duy cảm nhưng vẫn bi hùng
Điểm lại những vở cải lương phản ánh lịch sử cách mạng và những người anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phải kể đến vở diễn đầu tiên ở đề tài này là “Người công dân số một” do Nhà hát Cải lương Trung ương dựng năm 1976. Giai đoạn sau này có các vở “Đêm trắng” (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang), “Người con gái đất đỏ” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, “Hừng đông” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, “Tổ quốc nơi cuối con đường” (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn Lê Nguyên Đạt)…
Trong số đó, vở “Hừng đông” (2016) phản ánh hình tượng người chiến sỹ cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu đã gây tiếng vang lớn ở trong Nam ngoài Bắc, được ghi hình và phát sóng rộng rãi trên các đài truyền hình.
“Tôi nghĩ rằng khi khán giả đã yêu mến cải lương thì họ cũng sẽ rộng lòng với những đề tài khác nhau như xã hội, chiến tranh, cách mạng… Bởi cái hồn cốt của vở diễn vẫn là những bài bản cải lương mà khán giả yêu thích,” nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đồng thời là đạo diễn của vở này chia sẻ.
Ông cho rằng quan điểm “đề tài lịch sử, cách mạng thì khô khan, nặng tính tuyên truyền” là không chính xác. Vấn đề là cách kể chuyện có hấp dẫn hay không, kịch bản có tốt không.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho hay tính chất của cải lương là duy cảm, nghiêng về tình cảm con người.
“Cải lương hấp dẫn ở những lời ca, câu thoại, nét diễn mùi mẫn, lấy nước mắt khán giả nhưng bi kịch và bi hùng kịch sẽ mang tới những trải nghiệm khác nhau,” ông nói.
Người chiến sỹ cách mạng có những bi kịch riêng của cuộc đời mình. Lời ca về cuộc đời họ cũng sẽ đẫm nước mắt, song đạo diễn Lê Chức cho rằng nguồn cơn của những bi kịch đó cao cả hơn hết thảy, bởi họ mang theo lý tưởng vì đồng bào, vì Tổ quốc.
“Khúc ca trong những vở cải lương đề tài này là bi hùng ca, có chất bi nhưng cũng có sự hùng tráng. Để xây dựng cải lương về anh hùng cách mạng, chúng ta vẫn khai thác được theo hướng tình cảm con người, song cần làm nổi bật tình cảm lớn của người chiến sỹ cách mạng mang phẩm chất anh hùng, luôn hướng về dân tộc,” ông nói.
Đổi mới cách dàn dựng
Đạo diễn Lê Chức cho hay đề tài cách mạng với chân dung những anh hùng dân tộc đã trở thành tượng đài trong lòng nhân dân luôn là thách thức to lớn với đạo diễn và diễn viên cải lương.
“Khi thể hiện hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh trên sân khấu, tôi băn khoăn liệu có nên để nghệ sỹ hát cải lương hay không. Quan điểm cá nhân của tôi nghiêng về phương án là nghệ sỹ nên ‘ca nói’ trên nền nhạc cải lương khi thể hiện hình ảnh Bác Hồ,” ông nói.
Trong chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Làng Sen ở Nghệ An, Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức đã tái hiện sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ba giai đoạn khác nhau của cuộc đời, do ba nghệ sỹ Quang Khải, Mạnh Hùng và Xuân Vinh thể hiện bằng ngôn ngữ tổng hợp của kịch nói và ca cải lương. Hình tượng Bác Hồ đã hiện lên thân quen và sống động trước khán giả.
Một cảnh trong vở diễn "Tổ quốc nơi cuối con đường"
Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cùng các nhà chuyên môn khác đã chấm giải vàng cho vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” của đạo diễn Lê Nguyên Đạt bởi cách dàn dựng sáng tạo, mang một góc nhìn mới về lãnh tụ.
Vở diễn tái hiện sự kiện Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam khi đang hoạt động ở Hongkong dưới bí danh Tống Văn Sơ. Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn quốc tế, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời Hongkong an toàn.
Vở diễn không mang hình thức một vở cải lương truyền thống mà kết hợp ca, diễn và nhạc, với tiết tấu nhanh và hiện đại, đạo diễn xử lý chuyển cảnh ngay trên sân khấu tạo cảm xúc kết nối liên tục cho người xem.
Ở vở cải lương “Hừng đông”, đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng có cách dàn dựng rất sáng tạo, ứng dụng công nghệ màn hình LED, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Ngoài ra, đạo diễn còn táo bạo kết hợp dàn nhạc cải lương truyền thống với âm nhạc đường phố.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên (giữa) và các thành viên Câu lạc bộ HUB, những nghệ sỹ mang âm nhạc đường phố vào cải lương
Đạo diễn chia sẻ rằng hiện nay anh đang dựng vở cải lương mới về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Lẽ ra Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn vào dịp kỷ niệm 19.8 và 2.9 năm nay, song do dịch bệnh Covid-19 khiến kế hoạch này phải tiến hành chậm lại.
“Đề tài về Bác là thách thức lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy áp lực lớn như vậy. Vở diễn này cần phải đảm bảo yếu tố đúng, đủ, hay, phải có những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn, chứ không chỉ nặng về tuyên truyền, chính trị,” đạo diễn cho biết.
Sống trong đời sống của nhân vật
Khi đã có kịch bản hay, cách dàn dựng hấp dẫn thì dàn diễn viên phải có sự hóa thân vào nhân vật sao cho truyền cảm xúc được đến khán giả. Muốn vậy, các nghệ sỹ cần có sự tìm tòi, sáng tạo và đặt mình vào bối cảnh lịch sử của câu chuyện.
Nghệ sỹ ưu tú Quang Khải đã nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn khi vào vai nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở diễn “Hừng đông”.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên đánh giá anh có ngoại hình sáng, lại cùng quê Nghệ An với cụ Phan Đăng Lưu, nên khi ca cải lương bằng chất giọng Nghệ có sự truyền cảm và lay động trái tim người xem.
Với nghệ sỹ Quang Khải, anh nhớ mãi kỷ niệm khi sân khấu khép màn, hậu duệ của cụ Phan đã lên sân khấu chúc mừng các nghệ sỹ. Họ đã ôm lấy anh và rưng rưng nước mắt nói rằng họ như được thấy cụ hiển hiện trước mắt. Điều đó đã khiến nghệ sỹ vô cùng xúc động.
Nghệ sỹ Quang Khải trong vai nhà cách mạng Phan Đăng Lưu
Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ kịch bản, đọc sách, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cụ Phan Đăng Lưu, thậm chí về quê nhà của cụ để cảm nhận rõ hơn về hoàn cảnh, cuộc đời và tinh thần của nhân vật.
Chia sẻ với phóng viên về cảm xúc khi vào vai, anh vẫn rưng rưng xúc động nhắc lại cảnh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu lên đường vào Nam, đi ngang qua quê nhà nhưng ông không vào nhà mà chỉ đứng ngoài ngõ, nhìn người vợ và các con của mình từ xa, lòng trĩu nặng nhưng ông kiên quyết ra đi vì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đang cần sự lãnh đạo của Đảng.
“Sau này, kẻ thù đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bị bắt, rồi ngã xuống trước ‘hừng đông’ độc lập, tự do của đất nước,” nghệ sỹ Quang Khải kể lại.
Hình ảnh đó thể hiện rõ nét chất bi hùng của vở cải lương đề tài cách mạng này. Dù người anh hùng đã ngã xuống nhưng buổi bình minh độc lập tự do của dân tộc cũng bắt đầu ló rạng.
“Tôi cho rằng những trang sử của dân tộc luôn cần được nhắc tới để lòng yêu nước, thương nòi trở thành mã gene của người Việt mọi thế hệ. Nhân dân Việt Nam đang gắn bó bên nhau trong cuộc chiến với giặc Covid-19, như trong mọi cuộc chiến khác mà lịch sử đã ghi lại. Tinh thần dân tộc vẫn đang hiển hiện rõ ràng trong giai đoạn cam go này”, nghệ sỹ chia sẻ.
Theo Vietnam+