Những mô hình "dân vận khéo" ở các địa phương đã góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đep.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Hồng Phong (Thanh Miện) kiểm tra, tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác thải tại gia đình để làm phân bón hữu cơ
Thời gian qua, ngành dân vận trong tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, tích cực phối hợp với chính quyền, các đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình “Dân vận khéo”, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Một chương trình ý nghĩa
Dù triển khai chưa lâu nhưng mô hình “Hội Nông dân phân loại rác thải tại gia đình làm phân bón hữu cơ” ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 135 hộ ở cả 7 thôn của xã. Ông Hoàng Thành Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong nhận xét trước đây nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chưa chú trọng đến phân loại rác thải tại nguồn. Từ khi có mô hình, khối dân vận của xã, tổ dân vận các thôn, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội đã cùng tuyên truyền, vận động về lợi ích khi phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Trần Văn Khỏe phấn khởi chia sẻ, ngoài công tác tuyên truyền được chú trọng hàng đầu, định kỳ 1 tuần/lần, xã kiểm tra tình hình phân loại rác thải nhằm phát hiện người dân chưa phân loại hoặc phân loại chưa đúng, kịp thời hướng dẫn, xử lý. Nhờ phân loại rác thải, nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường nên lượng rác tập kết ra bãi rác tập trung đã giảm khoảng 40% so với trước khi thực hiện mô hình.
Tháng 3.2022, Hội Phụ nữ xã Kim Tân (Kim Thành) thực hiện mô hình “Phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại gia đình bằng men vi sinh và thùng nuôi trùn quế” với 30 hội viên tham gia. Qua hơn 6 tháng triển khai, đến nay, hội viên và người dân trong xã đã có chuyển biến tích cực trong phân loại rác thải tại nguồn, tạo ra lượng phân bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học.
Thành đoàn Hải Dương, đơn vị được Tỉnh đoàn đánh giá là điển hình trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" để bảo vệ môi trường, đã có nhiều cách làm sáng tạo như triển khai các mô hình thu gom pin cũ vì môi trường tương lai, tuyến phố không quảng cáo bẩn, vườn hoa của em, hành trình thứ 2 của lốp xe… thu hút hàng nghìn đoàn viên thanh thiếu niên ở nhiều lứa tuổi hào hứng tham gia. Chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Bí thư Thành đoàn Hải Dương cho biết: “Đối với những mô hình bảo vệ môi trường, chúng tôi tổ chức hội thi tìm hiểu về môi trường và chọn một số Đoàn phường làm điểm để thấy được hiệu quả, giúp những địa phương khác học tập kinh nghiệm”.
Nhờ dân vận khéo, nhiều hội viên phụ nữ, người dân xã Kim Tân (Kim Thành) hăng hái trồng hoa, dọn vệ sinh môi trường
Tiếp tục nhân rộng
Chương trình phối hợp “Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2022” do Ban Dân vận Tỉnh ủy (cơ quan thường trực) chủ trì phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm thực hiện Thông báo Kết luận số 1661 - TB/TU ngày 31.3.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, công văn triển khai chương trình phối hợp, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào.
Ban Dân vận cấp ủy cấp huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu với cấp ủy ban hành 12 kết luận, thông báo kết luận của cấp ủy, 12 kế hoạch của ban thực hiện chương trình; chủ trì tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngành dân vận thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền các mô hình, điển hình tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương; hướng dẫn, vận động nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường.
Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã có 1.229 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường, trong đó nhiều mô hình có hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao như: đường hoa phụ nữ; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại gia đình; thu gom rác thải nội đồng; sử dụng làn nhựa đi chợ thay túi ni lông; khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện việc tang văn minh tiến bộ gắn với bảo vệ môi trường…
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp “Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2022” đã góp phần huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. "Để phát huy và đạt được những kết quả bền vững, thời gian tới Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình tại các địa phương, cơ sở. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực; đồng thời kịp thời biểu dương, nhân rộng, tạo điều kiện về kinh phí để duy trì hoạt động của các mô hình, điển hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường của MTTQ, các đoàn thể như đường hoa phụ nữ, thùng phân loại rác, chế phẩm sinh học, trang thiết bị bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế...", đồng chí Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm.
THÀNH ĐẠT