Hai ngày trước, bé Sim, 10 tuổi, tay chống nạnh tranh cãi tay đôi với cô ruột vì đòi phần thưởng dành cho người chiến thắng, dù thua.
Cô bé và em họ cùng chơi cờ caro, ai thắng sẽ được thưởng một chiếc móc chìa khóa hình thỏ hồng. Sau ba lượt, Sim đều thua nhưng thản nhiên giật lấy phần thưởng với lý do "nếu em không chơi ăn gian thì con thắng rồi. Con lúc nào chả giỏi hơn".
Giải thích mãi cháu gái vẫn bướng bỉnh, chị Thu Hoa (29 tuổi, ở Nghệ An) đề nghị hai bé chơi lại ván cuối, để mình làm giám khảo. Sim không chịu, chạy thẳng về nhà.
"Con bé lúc nào cũng hiếu thắng, không nhường nhịn ai bao giờ. Nhỏ thì thấy dễ thương chứ lớn lên không thể chấp nhận được", chị Thu Hoa nói.
Bé Sim là cháu đầu, lại xinh xắn, kháu khỉnh nên ai cũng cưng chiều. Người lớn thấy cháu mặc cái váy mới là khen "Sim xinh nhất". Cháu đối đáp với người lớn thì ai cũng cười khen "thông minh hơn con bé Na nhà bên". Nếu Sim giành đồ chơi của bạn hay hàng xóm, người lớn trầm trồ "con nhỏ này khôn ghê, vứt đâu cũng sống được".
Mỗi lần mẹ cho Sim ăn đều nhờ ông, bà, người xung quanh xúm vào khen "Ông thấy cháu ăn giỏi chưa?", "Bà thấy cháu uống sữa ngoan chưa?". Mọi người lại xuýt xoa.
Ảnh minh họa: Nhật Minh
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho rằng gia đình bé Sim đang tạo ra hậu quả do khen trẻ sai, khen quá đà.
"Lời khen là con dao hai lưỡi. Cần lưu ý những nguyên tắc như: không được khen những thứ thuộc về khả năng (khen giỏi, thông minh) và không khen kiểu so sánh (ví dụ khen con thông minh hơn đứa trẻ khác)", chuyên gia nói.
Các nhà tâm lý khẳng định, khi khen ngợi những thứ hiển nhiên như ăn giỏi, uống giỏi, ngoan khi dọn đồ chơi, trẻ hình thành suy nghĩ rằng chúng đang làm những việc đó vì bố mẹ, ông bà. Khi đó, trẻ sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người lớn. Nếu không có phần thưởng, chúng sẽ không ăn, không uống dù đó là những việc đương nhiên phải làm.
Khen con giỏi, con thông minh, đứa trẻ nghĩ rằng mình là nhất, hay ảo tưởng sức mạnh. Vì vậy, chúng sẽ không cần nỗ lực, không cần cố gắng. Giống như bé Sim, khi thua cuộc, đứa trẻ dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác hay oán trách số phận.
Chuyên gia cảnh báo khen sai, khen quá đà, khi lớn lên, những đứa trẻ dễ trở thành người bất đắc chí. "Đó là những người hay nói câu 'ngày xưa mình học giỏi nhất lớp mà giờ không bằng thằng học dốt' hay 'đời bất công với tôi'. Nhưng thực ra là do họ không có khả năng thích nghi, thiếu nỗ lực, vượt khó, không biết mình là ai nên không thể thành công", bà Hương nói.
Tiến sỹ Carol Dweck (Đại học Stanford, Mỹ) cho rằng lời khen tập trung vào tài năng dễ biến trẻ thành người có tư duy đóng trong khi lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ giúp trẻ hình thành tư duy mở.
Tư duy đóng là lối suy nghĩ mình đang ở một tầng cao nhất định về sự thông minh, về tài năng. Cá nhân đó sẽ luôn phải thể hiện bản thân để khiến mọi người tin rằng họ ở tầm cao đó hoặc hơn. Nếu người đó bị phát hiện họ không thực sự ở tầm cao đó sẽ là một sự hủy diệt với bản thân họ.
Tư duy mở tin rằng thử thách luôn là điểm bắt đầu cho việc học hỏi và phát triển. Tư duy mở được xây dựng trên niềm tin rằng tài năng có thể được rèn giũa thông qua nỗ lực và thời gian. Người có tư duy mở tin rằng ta sẽ học được rất nhiều từ trải nghiệm thử thách và thất bại.
Nguyễn Nga (nhân viên kế toán ở Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận những lời khen đã biến cô trở thành người tư duy đóng trong một thời gian dài. Từ bé đến lớn, Nga luôn là học sinh giỏi. Ở đại học, cô được giảng viên, người hướng dẫn thực tập đánh giá thông minh, sáng dạ.
"Tôi nhờ thầy giáo tư vấn nơi thực tập là cơ quan trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, thầy bảo 'với tài năng của em, tôi có thể giới thiệu em đến bất cứ doanh nghiệp nào em thích và tin em sẽ làm tốt'", cô kể. Khi đánh giá thực tập, người hướng dẫn khẳng định cô "thích ứng nhanh", "thông minh" và "có năng khiếu bẩm sinh", sẽ giữ lại công ty thử việc ngay khi ra trường. Cô từ chối, quyết định nộp đơn vào một công ty lớn hơn.
"Những lời khen khiến cho tôi tràn đầy tin tưởng. Tôi không còn quan tâm đến kết quả các môn học cuối khóa, chỉ háo hức sớm ra trường, thể hiện tài năng", Nga kể.
Nhưng khi đi làm chính thức, cô không thể bắt nhịp được với khối lượng công việc gấp nhiều lần thời gian thực tập. Kiến thức cần cập nhật liên tục để đáp ứng công việc khiến Nga bị ngợp, căng thẳng và kiệt sức. Cô xin thôi việc, trách sếp và đồng nghiệp không hỗ trợ tận tình.
Trong hai năm, Nga nhảy việc ba lần. Cô gần như rơi vào trạng thái trầm cảm, phải tìm bác sĩ tâm lý trị liệu. Nga nhận ra mình không thực sự thông minh, giỏi giang như vẫn tưởng hoặc dẫu có thông minh thật mà thiếu sự nỗ lực học thêm, rèn các kỹ năng khác, cũng không thể tồn tại trong môi trường luôn đòi hỏi sự đổi mới.
"Tôi quyết định nộp đơn vào một công ty lương thấp nhưng chấp nhận đào tạo từ đầu", Nga nói khi hiểu hơn về mình. Cô chịu lắng nghe và bỏ thời gian, công sức ra học hỏi nhiều hơn. Nhờ vậy, từ nhân viên hợp đồng lương 10 triệu đồng, nay có thu nhập gấp đôi.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương cho biết, rất nhiều người giống Nguyễn Nga, vì bị những lời khen vuốt ve mà che mờ lý trí. Đôi khi họ chọn làm những việc vượt quá khả năng của mình, rồi tự bất mãn do không thể thành công, ghen tị với người xung quanh.
"Nếu những người này nảy sinh tâm lý tiêu cực, có hành động phá hoại thì sẽ gây hại không chỉ cho họ mà còn cho cộng đồng và xã hội", chuyên gia cảnh báo.
Bên cạnh những người khen con thái quá, theo thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tâm rất nhiều cha mẹ lại nghiêm khắc đến mức không bao giờ khen con, chỉ trích, khiến trẻ bất mãn, thấy không được ghi nhận.
Chuyên gia khuyên thay vì khen quá đà hay chỉ trích, cha mẹ nên nhìn nhận đúng năng lực của trẻ. "Hãy khen con nếu trẻ thật sự tốt, thật sự giỏi và phê bình nếu trẻ không cố gắng, nhưng đừng thái quá", bà nói.
Tiến sỹ Carol Dweck phát hiện ra rằng lời khen tập trung vào tài năng sẽ khiến trẻ dần trở nên mất tự tin vào bản thân, trong khi lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ khiến khuyến khích trẻ học được nhiều hơn và hào hứng đón nhận thử thách mới.
Lời khen tập trung vào nỗ lực ví dụ như "mẹ thấy con chăm chỉ học nên bây giờ có được kết quả xứng đáng" hay "mẹ rất vui vì con đã vượt qua nhiều khó khăn để có thành quả này"... Khi đó, đứa trẻ hiểu chúng được khen vì chăm chỉ, vì vượt khó và nỗ lực lặp lại thành tích đó.
Chị Thu Hoa cho biết khi nhận ra vấn đề của bé Sim, chị đã nói chuyện với vợ chồng anh trai để dần uốn nắn cháu. "Thế nhưng mọi người trong nhà cứ cười tôi là đang 'trầm trọng hóa vấn đề', vì 'ai chẳng khen cháu mình như thế'", chị thở dài.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Theo VnExpress