Bằng sức lao động bền bỉ, sự năng động, sáng tạo, người nông dân Kinh Môn đã vượt qua mọi khó khăn, làm giàu trên ruộng, vườn.
Đất đai ở huyện Kinh Môn không thể gọi là phì nhiêu màu mỡ. Trong số 25 đơn vị hành chính (xã, thị trấn) thì 18 đơn vị có núi non. Hình dung trở lại hơn một thế kỷ trước Kinh Môn được bao phủ bởi rừng cây tự nhiên rậm rạp và hoang vu. Hàng trăm hang đá lạnh lẽo chỉ có dơi ở và nước rơi tí tách. Những mảnh ruộng nhỏ hẹp len lỏi vào trong các thung lũng, nước phèn chua đỏ móng chân người, cây lúa như cỏ may. Hàng chục con đèo vừa cao, vừa rậm, chỉ là lối mòn rất khó đi lại: đèo Hoàng Thạch, đèo Gai, đèo Nẻo, đèo Gù, đèo Mông, đèo Ngựa... nay hầu hết vẫn còn. Sông bọc kín bốn phía, chia huyện thành những khu tách biệt nhau. Cả huyện là hòn đảo lớn. Năm xã khu Nhị Chiểu là đảo trong đảo. Mấy chục con đò qua sông. Những ngày nước lũ đổ về, sông sâu, sóng cả, đò đầy, ai dám nói mạnh. Có một nhà thơ đã viết để dặn con rằng: "Đò đầy, phà rộng, sông sâu/Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua". Nhưng trong cuộc bươn chải kiếm sống, người Kinh Môn ai chờ đến lúc bạc đầu. Sông Kinh Môn ba mùa nước ngọt, một mùa nước lợ. Có nhiều chỗ còn nước mặn nữa chứ. Bão ở Kinh Môn cũng nhiều và to. Bão cứ vào Hải Phòng là Kinh Môn phải chịu. Đường chim bay thì Kinh Môn cách Hải Phòng là mấy, còn gió thì cứ thẳng mà đi, nhanh lắm. Đồng ruộng Kinh Môn, nếu nói "thẳng cánh cò bay" chỉ là cách nói ước lệ cho đẹp lòng người. Các nhà hoạch định kinh tế đã chia ra ba tầng ruộng: ruộng cao, ruộng vàn, ruộng trũng. Cao thì chưa nắng đã khô khát. Vàn thì xói lở, bạc mầu. Trũng thì chưa mưa đã ngập. Có được hạt thóc ăn không dễ dàng gì.
Nông dân thôn An Thủy, xã Hiến Thành (Kinh Môn) chọn mủa trước khi đưa vào máy chế biến
Ảnh: Mai Anh
Khó khăn của Kinh Môn kể bao giờ cho hết. Nhưng lạ thay, người nông dân Kinh Môn bao đời nay đã vật lộn và thắng bằng sức lao động bền bỉ, sáng tạo của mình. Từ ngàn xưa họ đã làm theo câu ca dao: "Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu". Dù ruộng cao hay trũng đều có lúa, có cây rau màu tùy theo từng chỗ, cho thức ăn nuôi sống con người. Thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp cũng là thời kỳ thủy lợi hóa và cải tạo đồng ruộng. Khái niệm mương máng tự chảy, bờ lô, bờ thửa lần đầu xuất hiện. Những HTX nông nghiệp điển hình có tiếng vang trong tỉnh là Hiệp An, Thăng Long, Xạ Sơn.
Cùng với cấy lúa, trồng màu, chăn nuôi, từ ngày xửa ngày xưa, nông dân Kinh Môn đã biết làm nghề phụ, hình thành các làng nghề truyền thống. Nổi tiếng là lấy đá nung vôi và chạm khắc đá. Những quả núi đá vôi đồ sộ kia là nguồn tài nguyên phong phú. Người ta chỉ việc mang choòng, búa, đục vào núi là có tiền. Lò vôi mọc lên như nấm đủ các cỡ lớn, nhỏ. Người nông dân làng Dương Nham đời này truyền đời khác nghề đục bia, đục cối, làm cầu đá, khắc chữ, chạm rồng bay phượng múa lên đá đẹp như vẽ như in. Ở nơi không có đá, người nông dân Sơn Khê (xã Thái Thịnh) lại biết dùng cây cói mọc ven sông để dệt chiếu, rồi in hoa lên chiếu. Có được chiếc chiếu còn thơm mùi cói phải trải qua bao công đoạn: cắt cói, phơi cói, chọn lựa, dệt, in hoa... mà mỗi công đoạn ấy đều có những yêu cầu kỹ thuật riêng, không dễ chút nào. Ở Thái Thịnh từ lâu còn có nghề trồng thái thuốc lào. Thuốc lào Thái Thịnh ngon không kém gì thuốc lào Vĩnh Bảo. Riêng ở Lưu Thượng, làng tìm một nghề riêng: đan thúng. Cái tên "thúng Lưu" là thương hiệu đã từng nổi tiếng nhiều huyện. Thúng Lưu là thúng cái, to, đựng 25 cân thóc nhưng vẫn mỏng mảnh, mềm và bóng. Ở Lưu Thượng xưa, một nửa làng đan thúng. Từ đứa trẻ bảy, tám tuổi đã làm quen với đan lát cho đến cụ già bảy tám mươi vẫn đan. Đan rồi hun khói cho thúng có màu nâu thẫm lại chống mối mọt. Người nông dân xã Thăng Long lại khác. Họ tận dụng bãi bồi ven sông để biến thành bát ngát đồng dâu. Từ dâu thành tơ tằm. Thế sự thăng trầm nhưng nghề trồng dâu chăn tằm ở Thăng Long không bao giờ mất. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, người nông dân Kinh Môn đã biến cả huyện thành "huyện tỏi". Tỏi trồng kín đồng. Nông dân trồng tỏi thu hút cả cán bộ, giáo viên ngày nghỉ, giờ nghỉ lại lao vào. Tỏi Kinh Môn thơm, cay, ngon nổi tiếng. Vụ tỏi đã cứu đói hằng năm cho cả huyện. Khi vị thế cây tỏi không còn độc tôn nữa, nông dân lại quay về với cây hành vốn có từ trước. Hàng chục năm nay, hành lại phủ kín diện tích đồng đất vụ đông. Hành tươi, hành khô thành hàng hóa lên ô-tô đi khắp Bắc, Nam, sang cả Trung Quốc. Cây hành không phải chống đói như cây tỏi thì nó giúp nông dân làm giàu. Từ nhiều năm nay, chợ Huề Trì thành chợ hành quanh năm đông vui, sầm uất.
Nông dân xã Hiến Thành (Kinh Môn) chăm sóc cây đậu tương
Ảnh: Thành Chung
Không thể không nói đến cây sắn dây. Vốn là cây hoang dại, người nông dân Kinh Môn sáng tạo cách đắp ụ để trồng, làm giàn cho sắn leo, chăm bón, tỉa cành. Khi thu hoạch, mỗi vụ cho 80 - 120 kg củ. Mùa dỡ sắn, xe máy, ô-tô lại lũ lượt kéo về. Xe đi qua, mùi sắn thơm mát bay lại. Nhưng sắn dây trồng phải một năm. Nông dân lại sáng tạo ra trồng ở bầu. Vậy là vẫn trồng được sắn nhưng còn được một vụ lúa. Cách làm này chỉ có ở Kinh Môn.
Công cuộc đổi mới mở ra cho người nông dân Kinh Môn một chân trời mới, thỏa sức bay. Hàng trăm vườn đồi bao quanh dãy núi An Phụ với vải thiều, nhãn lồng, na, ổi, dứa. Hoa quả hàng hóa xuất hiện. Đầm cá, ao cá... không thống kê hết được. Mấy chục trại lợn, gà, vịt của nông dân ra đời mà số đầu con phải tính hàng nghìn, hàng vạn. Rồi ba ba, rắn, cá sấu... đủ cả. Con đà điểu quê mãi châu Phi nay có mặt ở Tử Lạc (thị trấn Minh Tân). Trang trại rộng 10 ha với 600 con, nuôi được nó, để nó đẻ, ấp trứng, cho thịt không đơn giản. Cao xương đà điểu lần đầu có tên trong danh sách "họ nhà cao". Nông dân Kinh Môn còn sang mãi châu Úc lấy giống măng tây đem về đồng đất Minh Hòa gây dựng và mở mang dần. Lãi lời thì có thể còn hạn chế nhưng tầm nhìn và sự mạnh dạn thì ai cũng thừa nhận. Làng An Thủy (xã Hiến Thành), nơi bờ sông, bãi sú lại tìm ra hướng đi mới: cây mủa. Cả làng trồng mủa, cắt mủa, thái sấy khô thành mặt hàng độc đáo bán cả trong nước và nước ngoài. Hơn chục năm rồi, làng An Thủy giàu lên trông thấy và thành làng nghề trong thời đại mới. Gần đây, ở hai xã Lạc Long và Thăng Long nổi lên hơn chục gia đình nuôi chim cút. Từ một loài chim nhỏ, hoang dã, người nông dân đưa vào nuôi theo kiểu công nghiệp để lấy thịt, lấy trứng. Chim cút mắn đẻ, trứng ngon, trở thành món ăn không thể thiếu trong những bữa cỗ đám cưới sang trọng. Nông dân Thăng Long còn cho ấp trứng cút thành trứng lộn bán ra thị trường. Đây là món ăn bổ dưỡng, được nhiều người ưu thích.
Không chỉ cấy trồng và chăn nuôi, nhiều nông dân Kinh Môn đứng ra mở công ty gạch, ngói, xi-măng, đồ gỗ, kinh doanh xăng dầu, vàng bạc, thương mại, vận tải... Nông dân thành doanh nhân. Nông dân thành giám đốc. Nông dân thành công nhân. Nông dân thành kỹ sư... không thể tính hết.
Theo truyền thống, cứ nói đến nông dân là nói chân lấm tay bùn, cần cù lao động, vất vả hai sương một nắng... Ngày nay cần phải thêm: trí tuệ nữa, năng động nữa, sáng tạo nữa mới đầy đủ. Người nông dân Kinh Môn hôm nay như vậy tất yếu cái đói nghèo sẽ trở thành cổ tích và bộ mặt làng quê ngày càng đẹp lên.
VĂN DUY