Hơn bốn mươi năm trước, bốn chữ “khát vọng hòa bình” luôn thường trực trong tâm khảm của những con người Việt Nam chân chính. Bởi chiến tranh là chết chóc, tàn phá, đau thương, chiến tranh là bi kịch lớn nhất của nhân loại. Qua đài truyền hình, tôi đã nhìn thấy những vòng tay thắt chặt, những giọt nước mắt rơi trên những gương mặt già nua của các cụ già Nam - Bắc Triều Tiên trong những lần người dân của hai miền gặp gỡ vội vã sau nhiều năm đất nước bị chia cắt. Họ khát vọng hòa bình, ước vọng thống nhất hai miền Nam - Bắc, nhưng nào có được như chúng ta! Tôi cũng nhìn thấy cảnh đầu rơi, máu đổ ở Iraq, Afghanistan, Syria… vì nội chiến, xung đột sắc tộc, khủng bố… và sự can thiệp từ bên ngoài vì cái gọi là “dân chủ, nhân quyền (!)”.
Tôi nhớ lại hơn 40 năm trước, người dân quê tôi sống trong cảnh chiến tranh tang tóc. Có nơi người người, nhà nhà xa lìa quê hương, tản cư lánh nạn. Ngày ngày bom dội, súng càn. Có những người dân vô tội bị chết oan, chết ức vì bom rơi, đạn lạc. Tuổi ấu thơ của tôi là chuỗi ngày dài thấp thỏm, lo sợ con quái vật chiến tranh. Thế rồi hòa bình! Bầu không khí hắc ám biến mất! Trời xanh lồng lộng! Tôi được hít thở trong không khí độc lập, tự do. Đêm ngủ không còn nằm hầm vì đạn pháo, không còn nghe tiếng chó sủa run bắn lên. Ai đã từng sống trong cảnh khói lửa chiến tranh mới hiểu hết cái giá trị của hòa bình. Không phải tự dưng ông Nguyễn Cao Kỳ - Cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thốt lên trong ngày trở về Việt Nam, đại loại: “Chúng tôi không đem lại được hòa bình cho dân tộc Việt Nam thì những người anh em “phía bên kia” đã làm được điều đó”. Giá như những người khác cũng vượt qua được ngưỡng cửa hận thù để “nối vòng tay lớn”. Tôi đồng cảm với ước vọng trong ca khúc “Lại gần với nhau” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Lại gần gần lại với nhau. Ngồi gần nhau hơn. Ngồi kề bên nhau. Từng hàng thương đau. Trên cây u sầu… Sao còn buồn? Sao còn thù hằn?”.
Thế kỷ XXI, khát vọng hòa bình, ổn định chính trị, an toàn xã hội… để xây dựng và phát triển đất nước vẫn còn là mục tiêu vươn tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta đã có hòa bình, tự do, phát triển, hãy biết quý trọng, giữ gìn cái mà mình đang có. Hạnh phúc chính là những điều ta có được trong tầm tay, chứ không phải chạy theo ảo ảnh xa vời!
TRẦN QUỐC CƯỠNG