Trong khi tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều thì không ít nông dân quyết tâm vươn lên từ đồng ruộng.
Đồng ruộng được nối liền giúp gia đình anh Tùng có thể thuận tiện đưa máy móc vào sản xuất
Mong mỏi lớn nhất hiện nay của họ là dồn được đại điền (ruộng lớn) để thỏa sức sản xuất, phát triển kinh tế từ chính công việc đang bị nhiều người quay lưng.
Phất lên nhờ ruộng lớn
Hơn 10 năm trước, người dân địa phương lần lượt bỏ ruộng để đi làm công nhân trong các nhà máy nhưng gia đình chị Bùi Thị Hằng ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) chưa khi nào có ý định bỏ ruộng. Từ 3 sào ruộng khoán, hiện vợ chồng chị đang gieo cấy khoảng 50 mẫu ruộng. "Ai cũng kêu cấy lúa không đủ ăn còn nhà tôi sống nhờ cây lúa. Bám trụ với đồng ruộng nhiều năm, giờ chúng tôi đã có của ăn, của để", chị Hằng phấn khởi nói.
Kể lại quãng thời gian vật lộn với từng tấc đất để có được thành quả hiện tại, chị Hằng trầm ngâm: "Ngày ấy, nhiều dự án công nghiệp, đường sá mọc lên khiến đất đai đã manh mún lại càng bị chia cắt. Sản xuất không còn thuận lợi nên người dân chểnh mảng với đồng ruộng. Chị cùng chồng chạy vạy khắp làng trên, xóm dưới xin ruộng, gom nhặt những thửa ruộng nhỏ thành thửa lớn. Vất vả nhất là giai đoạn cải tạo lại đồng đất, nhưng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, gia đình chị đã gặt hái nhiều thành công nhờ ruộng hoang. Mỗi vụ lúa, tính cả lợi nhuận thu được từ dịch vụ làm đất, gặt máy, gia đình chị Hằng thu lãi hơn 100 triệu đồng.
"Khu đồng chết" rộng 20 ha ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) giờ đây đã trở thành nguồn sinh lời của gia đình anh Nguyễn Văn Khải. Nơi đây được ví như rốn nước của cả vùng, nông dân canh tác chỉ trông chờ vào may rủi. Khi mọi người rũ ruộng, anh Khải lại mạnh dạn đứng ra nhận cả một cánh đồng quanh năm sình lầy nên ai cũng ngạc nhiên, cho là gàn dở. Mới đầu, đúng như suy nghĩ của nhiều người, anh Khải loay hoay tìm hướng đi. Không biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ trên đồng ruộng mà lúa vẫn chết. Anh đã từng chán nản, thất vọng và có ý định buông xuôi. Nhưng những lúc bình tâm lại, anh Khải vẫn quyết không từ bỏ.
Từ những thất bại ban đầu, anh Khải rút ra được bài học là muốn thành công, mọi ý tưởng phải xuất phát từ thực tế chứ không được viển vông. Sau khi tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng mô hình sản xuất phù hợp, anh lựa chọn gieo cấy các giống lúa phục vụ cho chế biến. Đây là những giống lúa thích hợp với điều kiện ngập úng, ít bị chuột cắn phá, tuy giá không cao nhưng năng suất tốt và có đầu ra thuận lợi. Tìm được hướng phát triển đúng, chỉ sau vài vụ lúa, anh Khải đã vực dậy được cả khu đồng hoang, mua ô tô để nhận chở hàng trong lúc nông nhàn. "Thay vì sự e dè, ái ngại, giờ mọi người nhìn tôi bằng con mắt thán phục. Nhưng với tôi, tất cả chỉ là khởi đầu, tôi vẫn còn ấp ủ nhiều dự định với đồng đất quê nhà", anh Khải chia sẻ.
Trăn trở ruộng đồng
Gom được 180 mẫu ruộng, anh Lê Văn Tùng ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã thực hiện được ước mơ thỏa sức vùng vẫy trên đồng ruộng bấy lâu. Với 2 máy làm đất, 2 máy gặt mà 4 người trong gia đình anh làm bằng cả trăm người cộng lại. Mặc dù mọi việc đang tiến triển thuận lợi song anh Tùng vẫn canh cánh những nỗi lo. "Lúc đầu, người dân sẵn sàng cho mượn đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Song khi thấy tôi làm ăn được thì đã có nhiều gia đình ngỏ ý muốn trả tiền thuê đất, thậm chí có hộ còn có ý định đòi lại ruộng. Hiện tôi đang phải trả 200.000 đồng/sào/năm nhưng một số nhà vẫn chưa hài lòng với mức giá này", anh Tùng nói.
Mong mỏi lớn nhất của anh Tùng là được cho thuê đất lâu dài để ổn định sản xuất. Chỉ khi có ruộng lớn trong tay, anh mới có thể khai thác hết giá trị đồng ruộng. Anh luôn trăn trở nếu một ngày bắt buộc phải trả lại ruộng, liệu người dân có tâm huyết như anh hay chỉ vì nhìn thấy lợi ích trước mắt anh làm ra nên mới đòi ruộng. Khi đó, đồng ruộng sẽ lại bị xé lẻ, lãng phí đất đai.
Cùng chung nỗi niềm với anh Tùng, anh Khải hy vọng sẽ có một cơ chế, chính sách cởi mở để tạo điều kiện cũng như bảo vệ lợi ích cho những người mạnh dạn đứng lên gom ruộng, tháo gỡ nút thắt khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Anh Khải cho biết: "Dù đã có ruộng lớn nhưng tôi vẫn chưa thể thở phào vì người dân có thể đòi lại bất cứ lúc nào. Hơn nữa, mong ước của tôi là có thể tiếp tục nối dài bờ vùng, bờ thửa chứ không giới hạn chỉ với 20ha như bây giờ. Bởi so với trước kia, diện tích canh tác này có thể là lớn song nhu cầu thực tế thì vẫn chưa thấm tháp gì".
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tích tụ ruộng đất hướng đến sản xuất hàng hóa, tập trung là xu hướng phát triển tất yếu. Trước thực trạng này, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tích tụ ruộng đất. Nếu chủ trương của tỉnh được triển khai đồng bộ, tạo được động lực lớn và có sự đồng thuận của các hộ không còn nhu cầu sử dụng ruộng đất thì chỉ trong nay mai, tỉnh sẽ hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã tồn tại nhiều năm.
DŨNG CƯỜNG