"Khát" lao động trên diện rộng

27/06/2022 06:30

Tìm ứng viên từ vị trí phổ thông, giản đơn đến chuyên môn cao đang là bài toán đau đầu tại các doanh nghiệp hậu Covid-19.

"Mỗi buổi họp, sếp luôn hỏi, đã tuyển thêm được những vị trí nào rồi!", chị Vũ Yến Phương, HRGA Team leader Công ty trách nhiệm hữu hạn Infoplus, kể.

Là doanh nghiệp thuộc nhóm IT, chị Phương cho biết, trước đây, tháng 1-6 là mùa tuyển dụng của ngành vì người lao động thường "nhảy việc" giai đoạn này. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, mọi thứ không như vậy.

"Số lượng hồ sơ ứng tuyển đến nay chỉ bằng 50-60% so với mọi năm ở tất cả vị trí", chị nói. Nhiều trường hợp khi bộ phận nhân sự gọi điện đến cho ứng viên thì nhận được câu từ chối: "Không còn ý định chuyển việc nữa".

Sinh viên trò chuyện với nhà tuyển dụng tại Ngày hội việc làm tổ chức tại Trường Công nghiệp Hà Nội hôm 4/6. Ảnh: Dương Tâm

Bà Nguyễn Khánh Linh, Phó ban nhân sự FPT Telecom, cũng cho biết trong quý I, lượng hồ sơ ứng tuyển nhận về giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp doanh nghiệp đã tăng thêm nguồn lực và khai thác thêm các kênh tuyển dụng. Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của FPT Telecom lên đến hàng ngàn người mỗi năm.

"Chất lượng hồ sơ cũng đi xuống tương ứng", bà nói. Theo bà, các doanh nghiệp hiện phải giành giật nhau một tập ứng viên làm được việc – tức có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp.

Không chỉ khối văn phòng hay ngành nghề có chuyên môn cao, ngay cả việc tuyển dụng lao động phổ thông cũng không dễ như trước. Bà Trần Thị Tuyết Trinh, Trưởng phòng nhân sự Aeon Việt Nam, nói rằng việc tuyển nhân viên bán hàng tại siêu thị đang gặp thách thức khi người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc giờ giấc linh hoạt và thu nhập tương đương. Trong khi đó, giai đoạn cuối năm nay, với khối vận hành, Aeon Việt Nam cần khoảng 1.000 nhân viên chính thức và khoảng 2.000 vị trí thời vụ.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty Dony, chỉ ra hiện tượng lượng lao động muốn làm thời vụ, nhận lương theo tuần đang tăng lên kể từ đầu 2022. Theo ông, công nhân đang không muốn gắn bó dài lâu với nhà máy mà luôn trong tâm thế sẵn sàng nghỉ việc. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất trong khi bối cảnh giai đoạn 2021-2023 các doanh nghiệp thuộc nhóm chế biến chế tạo gặp khó tuyển dụng.

Ngành khách sạn, du lịch cũng đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung lao động sau Covid-19. Tại một hội thảo hồi tháng 5, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ quản lý buồng Việt Nam cho biết các khách sạn đang vừa khó tuyển, vừa khó giữ người, đặc biệt ở các vị trí như lễ tân, phục vụ, buồng phòng khi ngành du lịch mở cửa lại.

Thống kê từ dữ liệu lớn của Việc làm tốt đã đưa ra kết quả tương tự. Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc làm tốt - nói kể từ tháng 3, các công việc như bán hàng, nhân viên khách sạn, nhà hàng, công nhân, shipper... bắt đầu khan hiếm người ứng tuyển.

Bà nhận xét, cung và cầu trên thị trường đang có sự chênh lệch đáng kể mà mức lương tăng trưởng nhanh ở một số nghề là chỉ dấu cho sự khan hiếm. Theo Việc làm tốt, shipper đang có lương cao nhất trong nhóm lao động phổ thông với mức trung bình 10,1 triệu đồng một tháng trong giai đoạn hậu giãn cách.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gần đây đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I có xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.

Nhân viên tuyển dụng của nhà máy Samho (phải) phỏng vấn lao động ở An Giang sau Tết. Ảnh: An Phương

Lý giải cho việc thiếu hụt lao động, các nhà tuyển dụng nhận định, nhu cầu tìm người đang tăng mạnh khi kinh tế mở cửa lại trong khi tâm lý, ưu tiên của người lao động sau đại dịch thay đổi đáng kể. Những điều này tác động ngược lên thị trường tuyển dụng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm người.

Minh, 31 tuổi, nói rằng đã từ bỏ ý nghĩ tìm một công việc mới, điều mà anh nung nấu suốt 2 năm trước. "Trước Covid-19, tôi đã nhấp nhổm chuẩn bị hồ sơ, hỏi thăm một số nơi. Công việc cũ ổn định nhưng nhàm chán, tôi muốn làm thứ gì đó thách thức hơn", anh cho biết. Tuy nhiên, thời gian dịch chứng kiến nhiều bạn bè bị giảm lương, thậm chí mất việc, trong khi công ty cũ "không chậm một đồng nào" khiến anh thay đổi suy nghĩ.

"Sau biến động của Covid-19, người lao động có nhu cầu hơn về một công việc ổn định, có tính an toàn và được bảo vệ tốt", chị Phương nhận xét. Theo đó, họ bắt đầu tính toán trong lựa chọn môi trường để gắn bó lâu dài, chứ không nghĩ đến việc nhảy việc chỉ để tìm cơ hội tăng lương. Điều này đang tạo thuận lợi với các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, vốn đã ổn định về nhân sự. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, đang cần tuyển dụng, khó khăn sẽ nhiều hơn.

Một lý do khác đến từ nhu cầu muốn làm việc linh động, tự do, ít phụ thuộc của người lao động. Bất chấp những khó khăn ban đầu của đại dịch, người làm công ăn lương dần cảm thấy hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà mô hình làm việc từ xa mang lại.

Huyền, 28 tuổi, nhân viên văn phòng vừa xin sếp nghỉ vì muốn có thời gian cho bản thân. 2 năm vật lộn trong đại dịch khiến cô muốn kết thúc công việc toàn thời gian kéo dài 6 năm qua.

"Tôi nhận ra có nhiều thứ mình nên quan tâm hơn ngoài công việc. Sếp có đề xuất về việc làm bán thời gian từ xa và tôi đang cân nhắc", cô nói.

Hay Lê Xuân Trường, 23 tuổi, công nhân nhà máy Top Opto ở Khu chế xuất Tân Thuận vừa quyết định nghỉ việc để chạy xe ôm công nghệ và dành tiền để học nghề tóc. Anh cho biết thu nhập tại nhà máy có thể hơn 10 triệu đồng một tháng nếu tăng ca nhưng tù túng. Công việc mới cho anh tự do về thời gian và cơ hội theo đuổi nghề ưa thích.

Theo Phó ban nhân sự FPT Telecom, người lao động đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn các vị trí ít có ràng buộc về thời gian, địa điểm. "Họ cũng muốn ở gần gia đình hơn. Tâm lý của phụ huynh cũng vậy, muốn con cái về quê, có rau ăn rau, cháo ăn cháo", bà nói.

Khảo sát của Việc làm tốt cũng cho một kết quả tương tự. Theo bảng kết quả hồi tháng 3, 4 năm nay, yếu tố cân nhắc lựa chọn công việc là "linh hoạt", "tự do về thời gian" đã leo lên top đầu cùng "lương bổng" và "được đào tạo".

Cơ hội nghề nghiệp khác ngoài nhóm ngành chính thống cũng đang hỗ trợ cho xu hướng này. Internet với các nền tảng số phát triển đã giúp cho việc tự doanh dễ dàng hơn xưa, ví dụ như bán hàng online, làm nội dung sáng tạo...

"Những công việc này tạo ra thu nhập tốt đi kèm với sự linh động khiến nhiều người cảm thấy nộp đơn ứng tuyển tại một doanh nghiệp nào đó trở nên ít hấp dẫn hơn", bà Ngọc nói.

Hay với nhóm lao động là công nhân, họ cũng tìm thấy cơ hội phát triển ở quê nhà nhờ chính sách phi tập trung hoá khu công nghiệp.

Để tạm thời ứng phó, các doanh nghiệp đang tập trung thêm nguồn lực truyền thông thương hiệu để tăng mức nhận diện với các ứng viên tiềm năng. Đồng thời, họ tìm cách sử dụng công nghệ, đo lường các chỉ số tuyển dụng để có thể điều chỉnh phù hợp với xu hướng thị trường, ứng viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng thêm các yếu tố về phúc lợi, đào tạo, kết nối nội bộ...

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Khát" lao động trên diện rộng