Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn), được làm song song với hầm Hải Vân 1, thiết kế hai làn xe không có giải phân cách. Theo đại diện tập đoàn Đèo Cả, đây là "công trình khó khăn bậc nhất" trong số các dự án đơn vị này đã tham gia về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ như hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông...
Trong quá trình xây dựng, nhà thầu phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2, vừa phải bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói, thời gian qua do phương tiện tăng trưởng nhanh, hầm Hải Vân 1 đã quá tải nên việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là cấp thiết.
"Công trình được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường, mang dấu ấn của đội ngũ kỹ sư Việt Nam", Phó Thủ tướng đánh giá và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng chủ đầu tư và hai địa phương (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế) khai thác, vận hành, bảo trì hầm Hải Vân 2 an toàn, thông suốt.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân liên quan dự án, trong đó có các doanh nghiệp tham gia làm hầm Hải Vân.
Dự kiến các phương tiện sẽ đi qua Hầm Hải Vân 2 trong 20 ngày dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 21.2, tức từ ngày 20 tháng chạp đến 10 tháng giêng năm Tân Sửu). Sau đó hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị, trong đó có việc thiếu kinh phí vận hành. Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường.
Trước đó ngày 28.12.2020, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ giải ngân phần vốn nhà nước cam kết hỗ trợ cho dự án hầm Hải Vân 2, số tiền 1.180 tỷ đồng. Bộ này đã kiến nghị trước mắt Chính phủ chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho dự án, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Theo VnExpress