Ở tuổi 78, tháng 6.2022, ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam để chuẩn bị tour diễn tại nhiều tỉnh thành, "như một lời chia tay", bắt đầu từ Đà Lạt - nơi bà gặp Trịnh Công Sơn, mở ra mối gắn kết đặc biệt nhất trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Ca sĩ Khánh Ly và người hâm mộ ngồi xích lô dạo phố phường Hà Nội sáng 18-6 - Ảnh: T.T.D
Dịp này bà có cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở về những ý kiến của người mến mộ không muốn bà tiếp tục lên sân khấu hát khi đã về già, về việc các ca sĩ trẻ hiện nay làm mới nhạc Trịnh... Nữ danh ca khẳng định giọng hát của bà chỉ bình thường, những gì bà có được là do may mắn được Trịnh Công Sơn chọn.
Tôi không phải là người hát Trịnh Công Sơn hay nhất
* Âm nhạc cho bà điều gì hay đã cho bà mọi thứ, thưa bà?
- Nó cho tôi tất cả mọi thứ, tất cả những gì tôi có là từ nhạc, từ ông Trịnh Công Sơn.
* Vậy có phải nếu không gặp Trịnh Công Sơn, không hát nhạc của ông thì sẽ không có một Khánh Ly như đã có?
- Tôi chắc chắn như vậy, mặc dù sự tình không diễn ra như thế nhưng tôi chắc chắn như vậy. Không có tôi, nhạc của ông vẫn nổi, người khác vẫn hát hay. Nhưng tôi không hát nhạc của ông thì chẳng ai biết tôi cả.
Khánh Ly tại cuộc họp báo chiều 16-6 ở Hà Nội - Ảnh: BTC
* Bà nói bà không sinh ra để làm ca sĩ, bà có giọng hát cũng bình thường thôi, những gì bà có được chính là do may mắn, do bề trên sắp đặt?
- Bề trên sắp đặt. Dĩ nhiên tôi cũng có tố chất gì đó nhưng không đến mức nổi trội để đạt được những gì tôi đã đạt được.
Tôi biết hát, nhưng giọng hát của tôi không hay tới mức độ giúp tôi có được những thứ như tôi đã có đâu. Tôi hát bình thường thôi, nhưng nhờ có may mắn, nhờ được ông Sơn chọn và bề trên chọn. Bề trên chọn trước, rồi đến ông Sơn chọn sau.
* Vậy mà Trịnh Công Sơn lại từng nói: "Khánh Ly là một giọng hát không thể thay thế". Bà cảm thấy thế nào trước nhận định đó?
- Tôi cảm thấy sướng.
* Trịnh Công Sơn đã từng nói câu ấy với bà bao giờ chưa?
- Không, ông ấy chẳng nói gì cả. Ông ấy chỉ không chê tôi hát thôi.
* Hiện nay có nhiều ca sĩ trẻ hăng hái làm mới nhạc Trịnh và không phải cái mới nào cũng được công chúng chấp nhận, còn bà nghĩ sao?
- Tôi thấy các em hát rất hay, các em đổi mới không làm mất nhạc Trịnh Công Sơn đâu. Phải khuyến khích các ca sĩ làm mới để các em giữ nhạc Trịnh Công Sơn lâu dài cùng thời đại mới.
Còn nếu ai so sánh các em với tôi hát nhạc Trịnh thì tôi khẳng định tôi không phải là người hát Trịnh Công Sơn hay nhất đâu. Các em có đời sống, suy nghĩ, tình yêu của các em, các em cứ việc đi tới. Có ai nói gì tôi cũng vẫn ủng hộ các em.
Ca sĩ Khánh Ly mua sách tại Đường sách TP.HCM trong một lần về thăm quê hương - Ảnh: TỰ TRUNG
Mãi là người Việt Nam
* Bà từng chia sẻ trong cuốn hồi ký rằng muốn mãi mãi là người Việt Nam nguyên vẹn trong hình hài?
* Bà có nhớ cái cảm giác lần đầu tiên bà trở lại quê hương, trở lại đất mẹ?
- Cái đó khó nói lắm.
Phải khuyến khích các ca sĩ làm mới để các em giữ nhạc Trịnh Công Sơn lâu dài cùng thời đại mới.
* Những khán giả từng nghe Khánh Ly thời trẻ, họ quá mến mộ hình ảnh và giọng hát của bà ngày ấy và cho rằng bà không nên tiếp tục lên sân khấu hát khi đã về già. Bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi hiểu suy nghĩ của họ. Họ cứ giữ suy nghĩ ấy của mình và tôi giữ suy nghĩ của tôi.
Tôi yêu hát thì tôi hát, ở tuổi nào tôi cũng hát. Chuyện tuổi là tuổi thôi, nó chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi hay công việc tôi làm. Ngày xưa tôi hát cho một thế hệ.
Giờ thế hệ đó đã lớn tuổi và tôi cũng lớn tuổi, họ thay đổi và tôi cũng vậy. Bây giờ có người còn muốn nghe tôi thì tôi còn hát. Tuổi này tôi còn có thể hát vì tôi còn yêu hát và còn người yêu mình.
Lúc nào đó mà không ai muốn nghe mình nữa thì làm gì có chuyện đi hát được nữa. Nên phải cố. Dĩ nhiên bây giờ tôi không thể hát bằng 50 - 60 năm trước, nhưng tôi vẫn là tôi thôi. Tôi bỏ âm nhạc tôi còn cái gì nữa.
* Bà đa tài mà. Đọc hồi ký của bà nhiều người đều công nhận văn chương của bà rất hay.
- Tôi có giỏi đâu, chữ nghĩa là của thiên hạ đấy, tôi mượn chữ nghĩa của mọi người. Tôi không phải là người giỏi đâu. Những cái mà tôi có là tôi học được từ đời sống. Chữ nghĩa mà tôi có là tại tôi đọc sách nhiều, tôi thấy cái gì hay là tôi lấy làm của tôi. Đó là tại tôi khôn.
* Bề trên không cho ai tất cả và không lấy của ai tất cả, bề trên đã lấy đi của bà cái gì vậy?
- Trời công bằng lắm, bù qua sớt lại thì mình được cái này và mất cái khác. Cái mất của tôi có thể là một cuộc sống không vui, một thứ hạnh phúc không trọn vẹn, kiểu vậy đó.
* Bà từng nói tuổi già quý nhất là hai chữ bình an. Nhưng có lẽ chẳng phải lúc già mới cần?
- Tuổi già cần bình an nhiều hơn. Tuổi này không nên buồn, không nên mơ ước. Tuổi này không có thời gian để làm lại hay làm bất cứ điều gì nữa, chỉ nên "xin em ngồi yên đấy", dù cho không ai "tìm cuộc tình cho" thì cũng không sao cả. Mong được bình an thôi. Bây giờ tôi chỉ còn chờ ngày đến với mình thôi, tuổi này đừng nghĩ nhiều, chẳng làm gì được.
* Nghe như một lời buồn?
- Đời tôi được nhiều quá rồi còn buồn gì nữa. Buồn nữa thì là mình tham đấy.
Tôi không hát nhạc Trịnh Công Sơn thì chẳng ai biết tôi cả - Ảnh: BTC
Theo Tuổi trẻ