Các địa phương cần khẩn trương triển khai nhằm tạo sự lôi cuốn, cổ vũ, động viên toàn thể cử tri, nhân dân hăng hái tham gia, góp phần vào thành công chung của ngày hội bầu cử.
Đã chuẩn bị bước sang đợt 2 tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện việc tuyên truyền, cổ động trực quan, sinh động về bầu cử.
Cùng đi với 4 đoàn kiểm tra của Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh kiểm tra toàn diện công tác chuẩn bị bầu cử tại 12 huyện, thị xã, thành phố mới thấy công tác tuyên truyền về bầu cử của những nơi này trong thời gian qua vẫn chỉ dừng ở việc cấp phát tài liệu, tuyên truyền qua các hội nghị, trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử. Việc tuyên truyền trực quan của hầu hết các địa phương mới chỉ dừng lại ở bước dự kiến về số lượng băng rôn, khẩu hiệu, áp phích… sẽ trang trí trong đợt bầu cử. Nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất về nội dung, cách thức tuyên truyền. Nhiều xã, thị trấn còn có tâm lý trông chờ cấp trên cấp phát chứ chưa chủ động trong việc triển khai tuyên truyền trực quan. Theo kế hoạch, hầu hết các địa phương đều dự kiến đến gần ngày bầu cử mới triển khai tuyên tuyền bằng các hình thức trực quan như tổ chức xe tuyên truyền lưu động, kẻ vẽ khẩu hiệu... Đến nay, có rất ít địa phương dàn dựng được hoạt cảnh, tiểu phẩm, tọa đàm về bầu cử; xây dựng kế hoạch giao lưu văn nghệ chào mừng bầu cử.
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quan trọng này. Để cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành, các địa phương cần khẩn trương đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Cần lựa chọn những hình thức, phương thức phù hợp cho từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Tại các địa bàn trung tâm huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn có thể sử dụng đồng thời các hình thức tuyên truyền, cổ động như tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền thanh; mít tinh, diễu hành; giao lưu, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, thể thao, tuyên truyền lưu động... Ngoài ra, cần hết sức chú ý tuyên truyền trực quan ở những nơi này. Tại các địa bàn xa trung tâm, hệ thống giao thông khó khăn, hệ thống phát thanh, truyền thanh hạn chế, dân cư thưa thớt... cần lựa chọn một số vị trí thuận lợi như điểm giao đường ngõ, xóm, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, nơi đông người qua lại để bố trí lắp đặt các cụm pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu. Với mỗi đối tượng cần có hình thức tuyên truyền, cổ động khác nhau, chú trọng đến đối tượng là công nhân lao động và học sinh, sinh viên; cần quan tâm tuyên truyền đậm nét tại các khu, cụm công nghiệp để cổ vũ đội ngũ công nhân, lao động hướng về ngày bầu cử.
Tuyên truyền, cổ động trực quan có vai trò rất quan trọng. Các địa phương cần khẩn trương triển khai nhằm tạo sự lôi cuốn, cổ vũ, động viên toàn thể cử tri, nhân dân hăng hái tham gia, góp phần vào thành công chung của ngày hội bầu cử.
NGUYÊN MINH(TP Hải Dương)