Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát, biện pháp duy nhất vẫn là áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh
Các hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn để phục hồi đàn lợn nhưng nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) sẽ rất cao nếu việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa được thực hiện tốt.
Thận trọng
Như nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh, năm 2019, gia đình ông Nguyễn Sỹ Cừ ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) bị tiêu hủy toàn bộ 15 con lợn nái và đàn lợn con theo mẹ. Sau đợt dịch, ông vệ sinh, cải tạo lại toàn bộ khu chuồng nuôi bằng vôi bột và các loại thuốc sát trùng. Khi chuồng trại đã đáp ứng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, ông mới nuôi lợn trở lại. 40 con lợn giống có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch được ông mua từ trại lợn ở Thái Nguyên về nuôi thử. Sau một thời gian, đàn lợn phát triển ổn định, ông Cừ mới tiếp tục tăng đàn. Trang trại của gia đình ông đã phát triển ổn định với gần 100 con lợn thịt. "Thời điểm này, dù muốn tăng đàn nhưng tôi không dám nhập lợn ở nơi khác về nuôi. Bởi DTLCP đang bùng phát ở một số tỉnh, thành phố lân cận. Nếu nhập con giống không bảo đảm, trang trại sẽ tiếp tục bị thiệt hại do dịch", ông Cừ nói.
Sau Tết Canh Tý 2020, anh Nguyễn Trọng Phú ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) mới tái đàn. Trước khi nuôi lại, anh phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Lợn giống được mua ở trang trại có địa chỉ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn về trọng lượng và có giấy kiểm dịch. Đàn lợn mới nhập được theo dõi và tiêm vaccine đầy đủ theo hướng dẫn của ngành thú y. Theo anh Phú, do giá lợn giống cao, đề phòng những rủi ro nên anh chọn giải pháp nuôi ít, khi dịch bệnh được kiểm soát chắc chắn, anh mới nuôi kín các ô chuồng.
Chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch giúp tránh nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào trang trại
Xã Đồng Tâm hiện có khoảng 50 hộ chăn nuôi với tổng số 1.200 con lợn. Số lợn này chỉ bằng 1/3 tổng đàn lợn của xã trước khi bị tiêu hủy. Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Trưởng Ban Thú y xã Đồng Tâm Phan Huy Hân cho biết: "Sau khi tỉnh công bố hết dịch bệnh, xã đã vận động người dân tái đàn để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trên địa bàn. Chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học thì chưa nên nuôi lại bởi nguy cơ dịch bệnh tái phát rất cao". Với các hộ chăn nuôi đã tái đàn, địa phương yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh cho lợn. Trong trường hợp phát hiện lợn có dấu hiệu ốm, chết bất thường cần báo chính quyền xã và cơ quan thú y để kịp thời xử lý, tránh dịch lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tăng cường phòng dịch
Tổng đàn lợn đang có xu hướng tăng trở lại do các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn trong tỉnh đạt khoảng 301.600 con, tập trung ở một số huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà... Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa tái phát bệnh DTLCP nhưng nguy cơ dịch bệnh này quay trở lại rất cao. Bởi dịch DTLCP đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 4.000 con lợn buộc phải tiêu hủy. Nếu không kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, con giống... thì dịch bệnh sẽ dễ dàng lây lan giữa các tỉnh và bùng phát trở lại.
DTLCP vẫn chưa có vaccine phòng và thuốc đặc trị. Thực tế cho thấy, nhiều trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đã đứng vững trước "bão" DTLCP. Những trang trại, gia trại không đủ điều kiện áp dụng các biện pháp an toàn sinh học dễ bị thiệt hại do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh nhận định, virus DTLCP đã tồn tại trong môi trường, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ tái phát thành các ổ dịch và lây lan trên diện rộng.
Để ngăn chặn DTLCP tái phát, biện pháp duy nhất vẫn là áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi cũng là một trong những biện pháp quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh. Người chăn nuôi cần tiếp tục tiêm phòng bổ sung các loại vaccine theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cho đàn lợn. Chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP, không để dịch bệnh tái phát và lây lan trở lại. Chủ động phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý ngay khi có dịch bệnh; không bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Các địa phương cần tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn trên địa bàn, khuyến cáo các hộ chăn nuôi chỉ tái đàn khi bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
TRẦN HIỀN