Góc nhìn

Khẩn trương hỗ trợ nông dân

TRƯƠNG HÀ 18/09/2024 06:51

Bão số 3 gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Hải Dương. Việc hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất là việc cấp thiết lúc này.

00:00

ca long
Người dân xã An Sơn (Nam Sách) khẩn trương dọn dẹp, thu hoạch cá chết sau cơn bão số 3

Những ngày sau bão lũ, thật xót xa khi đến các vùng sản xuất nông nghiệp và phải chứng kiến cảnh bà con vừa thu dọn đống đổ nát sau cơn bão vừa khóc nghẹn trước khối tài sản lớn bị mất do bão lũ. Nhiều cây trồng, vật nuôi của nông dân trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, có gia đình mất trắng nhiều tỷ đồng.

Hồi tháng 5/2024, hàng chục hộ nuôi cá lồng trên các sông Kinh Thầy, Thái Bình ở huyện Nam Sách, TP Hải Dương... đã thiệt hại nặng với tình trạng cá chết hàng loạt do thiếu oxy hòa tan trong nước. Nay bão số 3 lại một lần nữa cướp đi biết bao công sức, vốn liếng của người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước 1.500 tỷ đồng. Riêng về sản xuất nông nghiệp, bão số 3 đã làm khoảng 7.755 ha lúa bị đổ, bị ngập; 3.202 ha rau màu bị ngập, đổ gẫy, dập nát; 4.372 ha cây ăn quả bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; 65 ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng; gần 389.000 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi thủy sản bị tràn bờ; 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng...

Còn theo thống kê của các ngân hàng tại Hải Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 700 khách hàng với tổng dư nợ ước 5.000 tỷ đồng đã bị ảnh hưởng do bão số 3. Các khách hàng này chủ yếu vay vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh vật liệu xây dựng và bến bãi…

Thiệt hại trên với bà con nông dân là rất nặng nề. Nhưng những con số thống kê trên chỉ mới là sơ bộ bởi vẫn còn nhiều gia đình, hộ nông dân chưa thống kê hết được thiệt hại. Đến ngày 17/9 vẫn còn nhiều cánh đồng hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng. Nhiều cây ăn quả lâu năm bị chết do ngập nước, gẫy đổ như ổi, quất, bưởi, hồng xiêm, na... Người nông dân phải mất nhiều thời gian sau để cải tạo, trồng lại.

nha mang
Gần 30.000 m2 nhà màng chuyên sản xuất dưa lưới của một hộ dân xã Kim Xuyên (Kim Thành) bị đổ sập sau bão số 3, thiệt hại hàng tỷ đồng

Những thiệt hại của ngành nông nghiệp, người nông dân sau bão là rất lớn và tác động tiêu cực đến thị trường nông sản, thực phẩm. Khan hiếm cục bộ đã diễn ra, giá nông sản, thực phẩm tăng lên...

UBND tỉnh Hải Dương đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị theo chức năng cần sớm triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cấp thiết là hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã hướng dẫn các địa phương thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão số 3; tập trung rút ngắn thời gian kiểm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiệt hại. Các ngân hàng đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão…

Chính sách, văn bản hướng dẫn đã có. Vấn đề là để những chính sách này sớm đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc hơn nữa. Việc rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại phải được tiến hành khẩn trương, chính xác. Quá trình thẩm định phải bảo đảm khách quan, trung thực, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân song cũng cần chặt chẽ để không dẫn đến hiện tượng trục lợi chính sách.

Các cơ quan thuế, ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, giãn thuế đối với các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên tinh thần hướng dẫn cụ thể, quy trình thủ tục rút gọn. Qua đó, giúp nông dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

TRƯƠNG HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương hỗ trợ nông dân