Cây đa ở đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đang chết dần. Cây đa này vốnlà biểu tượng của đảo Cò và gắn liền với lịch sử hồ An Dương nên cầnphải cứu cây bằng mọi biện pháp.
Cây đa đã bị khô 1/3 số cành
Cây đa cạnh hồ là một địa thế rất tốt vì đủ độ ẩm cần thiết để cây trường tồn. Hơn nữa, cây đa ấy lại có nhiều rễ phụ lực lưỡng đỡ các cành to ở các hướng khác nhau. Đặc điểm của cây đa là hệ mạch gỗ trong thân chóng thoái hoá nên chúng phải sinh ra các rễ phụ để hỗ trợ và thay thế. Ở đây, cây đa ở đảo Cò còn đầy đủ rễ phụ mà vẫn chết là do nguyên nhân gì? Qua khảo sát, bước đầu biết được là khi xây tầng 2 của toà nhà Trung tâm Giáo dục môi trường, thợ xây đã đào hố vôi gần cây đa, sát với nhánh rễ phụ lớn nhất (về phía đông nam của cây) làm bộ rễ phụ này chết do sức nóng của nhiều tấn vôi tôi và sau đó nước vôi ngấm vào đất huỷ hoại các rễ còn lại, làm cành cây phía đông nam do rễ này nuôi chết theo (chiếm tới 1/3 cây).
Là người phát hiện ra đảo Cò và viết Dự án tôn tạo đảo Cò từ Quỹ Môi trường toàn cầu, tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm tìm phương cách cứu chữa cây đa dù có phần đã muộn. Sau nhiều lần hỏi thăm qua Ban Bảo vệ đảo Cò và tìm hiểu, tra cứu ở nhiều nguồn tài liệu, kể cả kinh nghiệm cứu sống cây đa Tân Trào ở tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp bước đầu như sau:
Trước tiên, cần đào lại hố vôi, nạo vét hết cặn vôi còn sót lại và thay vào đó là đất phù sa. Tránh làm đứt rễ cây đa còn sót lại ở xung quanh đó.
Khảo sát bằng cách dùng dao, cạo vỏ rễ phụ của cây, nếu thấy rễ còn sống thì cắt phần đã chết phía dưới đi, dùng thuốc kích thích ra rễ phun vào để rễ phát triển và nuôi rễ dần dần để chúng dài ra tiếp đất. Nếu chiếc rễ đã chết hoàn toàn, phải tìm trên cành cây phía trên rễ đó, chọn chỗ cây còn sống, dùng dao nhọn sắc rạch một đường dưới bụng của cành, sâu vào tận lõi, bôi thuốc kích thích ra rễ, rồi dùng rễ bèo buộc lại để giữ độ ẩm. Nếu thực hiện vào mùa mưa thì không cần phải phun tưới nhiều. Không bao lâu rễ mới sẽ mọc ra rất nhiều. Khi ấy sẽ nuôi để nhử rễ cho dài dần xuống tận đất.
Cách nuôi rễ cây: Chọn một hộp sắt to để nuôi rễ, 2/3 hộp chứa đất phù sa trộn mùn rơm, 1/3 còn lại chứa rễ bèo để giữ ẩm. Hộp nuôi rễ treo ngay dưới rễ mới mọc, thường xuyên tưới nước cho ẩm ướt. Rễ gặp ẩm ướt sẽ mọc rất nhanh. Rễ mọc đến đâu, hạ hộp nuôi rễ đến đó, cho tới khi rễ dài dần tới đất.
Vì cây đa bị mất một số rễ phụ, bộ cành thiếu chất dinh dưỡng nên đã chết dần. Vì thế, phải gây bộ rễ mới ở nhiều khu vực khác, nhất là ở chỗ đã có sẵn rễ phụ mới mọc ra từ thân cây. Gặp trường hợp này, rễ sẽ mọc rất nhanh.
Nếu việc cứu cây khó khăn, nên nhờ đến kinh nghiệm của ông Nguyễn Anh Kết, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Hà, người được giao cứu cây đa Tân Trào, hoặc dùng chế phẩm sinh học K-H của công ty để cứu chữa và “nhử” dần cho rễ mọc xuống đất.
Chế phẩm K-H chỉ có ở Công ty Thanh Hà, còn thuốc mọc rễ thì có thể mua ở các cửa hàng nông dược với các loại sau: thuốc kích thích ra rễ N3M, Atonik. Hãng Thiên Nông cũng có bán thuốc kích thích ra rễ. Có thể dùng Giberelic dạng viên hoặc các sản phẩm chứa ANA, Alpha ANA…
Cây đa đang bị bệnh trầm trọng. Tìm được nguyên nhân gây ra bệnh, có được thuốc đặc trị và “phác đồ” chữa bệnh thích hợp thì cây sẽ hoàn toàn có thể phục hồi. Vấn đề là phải cứu cây ngay trước khi quá muộn.
NGUYỄN VĂN KHANG (Hội Giáo dục môi trường Việt Nam)