Trên địa bàn Hải Dương có 11 cơ sở hoạt động sản xuất hàng may mặc đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 18 lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là vải vụn. Tuy nhiên có rất ít lò hơi đốt vải vụn đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Đầu tư lò hơi đốt vải
Từ năm 2014, khi doanh nghiệp Trung Quốc dừng thu mua phế liệu vải vụn, nhiều cơ sở sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc chuyển giao, xử lý chất thải là vải vụn. Một số cơ sở đã đề xuất UBND tỉnh cho phép sử dụng vải vụn làm nhiên liệu đốt cho lò hơi khi đầu tư, cải tạo buồng đốt đa nhiên liệu, bảo đảm đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp. UBND tỉnh đã đồng ý.
Công ty TNHH Namyang Delta chuyên sản xuất hàng may mặc trong khu công nghiệp Đại An mở rộng (TP Hải Dương). Năm 2017, công ty này đã lắp đặt và đưa vào vận hành 2 lò hơi đốt vải.
Nhà máy sản xuất và gia công các loại sản phẩm may của Công ty TNHH Sản xuất VSM Nhật Bản nằm trong khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Trung bình mỗi ngày, công ty phát sinh khoảng 400 kg vải vụn. Năm 2019, công ty đã lắp đặt 1 lò hơi đốt đa nhiên liệu, trong đó 80 % nhiên liệu là củi, 20% còn lại là vải vụn.
Là doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH May Tinh Lợi có 2 cơ sở đang sản xuất. Cơ sở 1 (công suất sản xuất theo thiết kế khoảng 90 triệu sản phẩm/năm) tại khu công nghiệp Nam Sách, cơ sở 2 (công suất theo thiết kế là 190 triệu sản phẩm/năm) tại khu công nghiệp Lai Vu. Lượng vải vụn phát sinh thực tế trong 3 tháng đầu năm nay của 2 cơ sở khoảng hơn 1.000 tấn. Năm 2018, Công ty TNHH May Tinh Lợi đã đầu tư lắp đặt lò hơi đốt vải vụn tại cơ sở 1 với công suất 6 tấn hơi/giờ. Năm 2021, công ty lắp đặt và đưa vào sử dụng 1 lò hơi đốt vải vụn tại cơ sở 2. Do lượng vải vụn phát sinh ít nên từ tháng 11/2022, công ty đã dừng hoạt động của lò hơi đốt vải tại cơ sở 2, chuyển sang sử dụng lò hơi sử dụng nhiên liệu là mùn cưa và chuyển toàn bộ lượng vải vụn phát sinh sang cơ sở 1.
Phần lớn không bảo đảm yêu cầu
Qua đánh giá của các doanh nghiệp, việc đầu tư lò hơi sử dụng nguyên liệu vải vụn theo đúng quy chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp xử lý được khối lượng lớn vải vụn phát sinh, góp phần giảm tải lượng chất thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được chi phí chuyển giao xử lý của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần, người dân đã phản ánh về tình trạng xử lý khí thải của một số lò hơi đốt vải không bảo đảm môi trường. Trước thực trạng này, từ tháng 4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp rà soát, kiểm tra đánh giá hiệu quả xử lý môi trường của các cơ sở sử dụng lò hơi đốt vải.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm tra, chỉ có 2 lò hơi của Công ty TNHH May Tinh Lợi được lắp đặt và vận hành đáp ứng theo yêu cầu về thông số kỹ thuật và cơ chế vận hành, phòng ngừa ứng phó sự cố theo đúng QCVN 30:2012/BTNMT, 16 lò hơi còn lại vẫn còn nhiều hạn chế. Lò hơi của Công ty TNHH Namyang Delta có hệ thống pha hóa chất, châm hóa chất chưa được đầu tư đồng bộ, tự động hóa. Nhiệt độ tại buồng thứ cấp không đạt yêu cầu...
Công ty TNHH Sản xuất VSM Nhật Bản chưa có biện pháp kỹ thuật để hạ nhiệt độ kịp thời khi nhiệt độ trong các vùng đốt tăng cao đột ngột, bất thường hoặc có sự cố. Chưa bố trí camera hoặc cửa quan sát trực tiếp để quan sát quá trình thiêu đốt chất thải trong vùng đốt sơ cấp…
Đặc biệt, kết quả lấy mẫu phân tích khí thải lò hơi sau hệ thống xử lý tại một số doanh nghiệp là Công ty TNHH sản xuất VSM Nhật Bản, Công ty CP May II Hải Dương vượt quy chuẩn môi trường cho phép.
Ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước tình trạng trên, sở đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp như khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng và công nghệ, chuyển đổi, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường; cải tạo các lò hơi, chuẩn hóa quy trình vận hành.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan làm việc với các cơ sở có sử dụng lò hơi đốt vải để rà soát, phân loại, đánh giá cụ thể đối với từng lò hơi đốt vải trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của tỉnh, trên cơ sở làm việc, rà soát, sở sẽ yêu cầu dừng hoạt động các lò hơi đốt vải không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Thống nhất với các cơ sở có giải pháp đầu tư lò hơi thay thế hoặc chuyển đổi nhiên liệu đốt, thời gian chậm nhất đến ngày 30/6/2024.
PV