Nhờ sự dày công gây dựng suốt hơn 20 năm qua của những người quản lý và nhận khoán rừng, vườn thực vật An Phụ (Kinh Môn) đã có tới 450 loài cá thể thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong "Sách đỏ".
Ông Thụ là người gắn bó với vườn thực vật An Phụ từ những ngày đầu
Là điểm nhấn của núi rừng Kinh Môn, vườn thực vật An Phụ không chỉ là công trình phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn là minh chứng cho những nỗ lực gây rừng bền bỉ của người dân nơi đây.
Dày công gây dựng
Ít ai hiểu tường tận về vườn thực vật An Phụ như ông Nguyễn Hữu Thụ, người điều hành Trạm Quản lý rừng Kinh Môn. Vườn thực vật bao nhiêu tuổi cũng là từng ấy năm ông gắn bó, tận tâm với nơi này. Lật giở từng trang sổ đã hoen màu thời gian được ông ghi chép cẩn thận về vườn từ ngày mới thành lập đến tận bây giờ, ông tự hào nói: “Đã hơn 20 năm, công sức của mọi người đã không uổng phí”.
Làn gió mới từ Chương trình 327 năm 1992 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đã làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc trồng cây gây rừng. Nhờ vậy mà núi An Phụ trơ trọi, khô cằn, sự sống yếu ớt dần được hồi sinh bởi màu xanh của cây rừng. Người dân khi ấy không những trồng rừng bằng trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn bằng ý chí, tâm huyết như cách để chuộc lại lỗi lầm vì đã từng có thời kỳ tàn phá rừng tự nhiên. Và khi cây đã bám chặt đất rừng, ai cũng mong muốn có nơi để bảo tồn nguồn gen thực vật quý, vừa để nghiên cứu, vừa phục vụ sản xuất về sau. Hơn nữa, thành công của vườn thực vật Côn Sơn (Chí Linh) vào năm 1995 càng thôi thúc cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng và các hộ nhận khoán rừng ở Kinh Môn xây dựng vườn thực vật riêng cho núi đồi An Phụ. Với quyết tâm đó, năm 1998 vườn thực vật An Phụ gắn liền với khu di tích đền Cao An Phụ được thành lập.
Vườn thực vật An Phụ có diện tích 28 ha thuộc 2 phường An Sinh, Phạm Thái, trải dài từ chân núi An Phụ lên tới đỉnh, bao bọc khu di tích đền Cao An Phụ. Nơi đây lưu giữ tập đoàn cá thể thực vật với 450 loài khác nhau. Nhiều loài quý hiếm đã được ghi trong "Sách đỏ" như đinh hương, de hương, sao mộc, sao đen, mun… Các loại cây trồng sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước được đưa về “ngôi nhà chung” này chăm sóc và bảo vệ cẩn thận. Vì thế bất chấp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khác biệt, chúng vẫn vươn lên mạnh mẽ giống như nghị lực của người trồng rừng. Trong vườn thực vật có đường dạo với hàng trăm bậc bê tông, chỉ leo vài chục bậc đã thấy thấm mệt. Vậy mà trước đây, người dân phải men theo đường mòn, nhiều đoạn dốc thẳng đứng để đưa mầm xanh lên non. So với việc gieo và ươm mầm sự sống thì vất vả, cực nhọc chẳng thấm tháp gì.
Mỗi lần đặt chân vào vườn thực vật An Phụ, những kỷ niệm, hồi ức khi mới đặt những mầm sống đầu tiên trên núi đồi trơ trọi lại ùa về trong tâm trí ông Thụ. Ngước mắt lên nhìn cây rừng đã khép tán, cành lá sum suê, xanh mướt mát, ông Thụ không giấu được cảm xúc nghẹn ngào trên khuôn mặt. Ông kể, ngày đó ngoài sự giúp đỡ về chuyên môn của Trung tâm Môi trường và Lâm sinh nhiệt đới (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) thì cán bộ, nhân viên và người dân Kinh Môn không có gì ngoài niềm tin mãnh liệt vào việc xây dựng vườn thực vật để gìn giữ tài nguyên cho mai sau. Điều kiện trồng rừng khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng không một ai bỏ cuộc, không một ai nản lòng.
Tham gia trồng cây ở vườn thực vật An Phụ từ đầu và chăm sóc cây đến khi ổn định, ông Nguyễn Tiến Đựng ở phường An Sinh không bao giờ quên những tháng ngày bám núi gây rừng. Ngày đó, về chủ trương ai cũng nhất trí, đồng tình song khi triển khai trên thực tế thì khó khăn gấp bội phần. Đất rừng khô cằn, bạc màu, cắm cuốc chim xuống còn thấy cán lung lay thì lấy gì để mà trồng cây, vun gốc. Thế nhưng những cái lắc đầu ngán ngẩm nhanh chóng qua đi mà thay vào đó là sự miệt mài, cần mẫn đến nể phục. Vượt lên điều kiện bất lợi, mỗi người một công một việc trên hành trình gây rừng, xây vườn thực vật. Người thồ, gánh phân hữu cơ lên rải từ đỉnh núi xuống chân để cải tạo đất, người cuốc hố, vận chuyển cây giống, vun đất trồng cây. Cứ thế, ngày qua ngày vườn thực vật An Phụ phủ kín mầm xanh. Không chỉ vất vả, trồng cây tại vườn thực vật còn đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao. Để tiện cho chăm sóc, quản lý, các loại cây được phân hàng, trồng theo lô với mật độ 600 cây/ha. Dù vậy, bài toán này cũng không làm khó được các "kỹ sư lâm nghiệp" không chuyên. Mặc địa hình đồi núi dốc, cây vẫn được trồng theo hàng lối đều tăm tắp. Tuy cây đã bám đất rừng song người trồng vẫn chưa thể thở phào vì "công trồng là công bỏ, công làm cỏ mới là công ăn".
Đồi núi khô cằn, cây rừng chăm sóc không khéo cũng còi cọc, chậm lớn vậy mà cỏ, cây bụi ngày càng xâm lấn, giành nguồn dưỡng chất với cây chính. Người trồng rừng lại phải vất vả làm cỏ, phát quang. Việc đưa nước tưới cây cũng không hề dễ dàng. Máy bơm chỉ có thể dẫn nước tới chân núi, còn người dân phải gánh, chắt chiu từng thùng nước đưa lên đỉnh để tưới cho cây. Vất vả, nặng nhọc nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Biết bao mồ hôi rơi xuống, đổi lại là hình hài, dáng dấp vườn thực vật An Phụ phong phú, đa dạng, độc đáo như bây giờ. "Thù lao trồng, trông nom rừng có đáng gì so với công sức bỏ ra song mọi người vẫn hăng hái, nhiệt tình, làm hết sức mình. Đó là vì lương tâm và trách nhiệm", ông Đựng khẳng định chắc nịch.
Trăn trở giữ gìn
Trong một ngày khó mà tham quan, khám phá hết những điều thú vị, đặc trưng tại vườn thực vật An Phụ. Ngoài việc đi lại, leo núi vất vả, khó khăn thì mỗi loại cây được trồng tại đây đều gắn với một câu chuyện riêng. Để có hàng nghìn cá thể thực vật sinh sôi, phát triển tầng tầng, lớp lớp, Ban Quản lý rừng đã phối hợp với nhiều đơn vị dày công sưu tầm, đưa về vườn thực vật trồng, chăm sóc và bảo vệ. Ông Thụ nhớ chính xác vị trí từng loại cây ở đây. Chỉ tay về hàng sao đen đang độ trưởng thành, đường kính thân từ 20-25 cm, cành vươn cao đón nắng, ông Thụ hớn hở khoe giống này lấy từ miền trong ra, ưa khí hậu nóng ẩm. Mới đầu ai cũng lo cây không hợp cái lạnh của miền Bắc, vậy mà dưới bàn tay chăm bẵm của hộ nhận khoán và sự hỗ trợ của nhân viên quản lý rừng, cây cứ thế lớn dần, ngày một tốt tươi. Ông Thụ tâm đắc nhất là hàng cây sao mộc đưa từ Lào Cai về trồng. Đây là loài lá kim, thích hợp với điều kiện núi cao, sương mù nhiều. Thế nhưng khi về với núi rừng Kinh Môn lại phát triển đến khó tin. Ngoài cây thân gỗ, có giá trị kinh tế cao, vườn thực vật An Phụ cũng là nơi trú ngụ của hàng chục loại dược liệu quý như bách diệp, kim giao, long não...
Nằm dọc theo đường lên đền Cao An Phụ, vườn thực vật An Phụ thu hút mọi ánh nhìn của du khách thập phương bởi sự đa dạng cây rừng. Các cây thân gỗ, thân leo, giống bụi rồi loài ký sinh tương trợ nhau để phát triển hài hòa. Do đó, tiềm năng du lịch sinh thái tại vườn thực vật rất lớn. Nhiều đoàn du khách thích thú với cảnh quan trong vườn nên ngỏ ý muốn vào thăm. Không chỉ vậy, một số đoàn sinh viên, học sinh đi thực tế cũng về đây trải nghiệm, lấy thông tin phục vụ việc học tập. Cũng bởi lý do này mà ông Thụ vẫn chưa hết trăn trở về nơi này. Ông trải lòng: "Điều mong mỏi ngay lúc này của tôi là mỗi khu vực trồng cây tập trung đều có bảng tên giới thiệu về đặc tính, câu chuyện gắn với vườn thực vật này. Có như vậy người đến tham quan không chỉ là thăm thú nhất thời mà còn khắc ghi những giá trị nơi đây. Quan trọng hơn là nuôi dưỡng tình yêu với cây cối, núi rừng, thiên nhiên".
Tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên ông Đựng không còn nhận khoán rừng, dù vậy mỗi khi rảnh rỗi ông lại men theo đường mòn lên đền Cao An Phụ, ngắm nhìn vạt rừng ở vườn thực vật. Đây là cách mà ông tận hưởng thành quả sau bao năm vất vả cùng mọi người gây dựng. Ông Đựng quả quyết ở đây không ai nỡ chặt phá rừng, gió to xé toạc một thân cây cũng khiến họ chạnh lòng bởi họ coi cây rừng là sinh mệnh, là máu thịt. "Không trân quý sao được khi mà rừng nguyên sinh đã lụi tàn, phải mất bao thời gian, công sức mới lấy lại được rừng thay thế. Hơn nữa, nơi đây còn là vườn thực vật gìn giữ đa dạng sinh học", ông Đựng bày tỏ.
Vườn thực vật An Phụ không phải là món quà thiên nhiên ban tặng mà là nỗ lực không biết mệt mỏi của những người quản lý và nhận khoán rừng hơn 20 năm qua. Ý nghĩa hơn khi vườn thực vật gắn liền với di tích đền Cao An Phụ, cảnh sắc và di tích hòa hợp khiến nơi đây càng thêm phần linh thiêng, thanh tao mà trong lành, dễ chịu. Và để vườn thực vật An Phụ có thể phát huy những giá trị vốn có thì ngoài gây dựng còn cần phải giữ gìn.
DŨNG CƯỜNG