Khám phá bia Côn Sơn tư phúc tự bi

03/03/2018 08:49

Ngày 3.3, Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức lễ khai hội và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia.

Đây là tấm bia quý, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc.

Chạm khắc tinh xảo

Bia Côn Sơn tư phúc tự bi được tạo tác năm Hoằng Định thứ 8 (1607) trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn ở thế kỷ XVII. Tấm bia bằng đá xanh hình lục lăng, 6 mái, chóp mái nhọn, chân bia tạc hình cánh sen. Các hoạ tiết trang trí trên bia được chạm khắc tinh xảo. Chữ trên bia thể hiện theo lối chân thư, 6 chữ tiêu đề bia được chạm to dưới trán.


Du khách tìm hiểu lịch sử bia Côn Sơn tư phúc tự bi

Tuy một số chữ trên bia đã mờ, mất theo thời gian nhưng vẫn xác định được nội dung ghi chép. Nội dung bia Côn Sơn tư phúc tự bi ghi chép cô đọng, xúc tích về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607 do thiền sư trụ trì chùa Côn Sơn Mai Trí Bản khởi xướng cùng các quan lại, quý chức, thiện nam, tín nữ các nơi hưng công xây dựng thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, thượng điện. Những nội dung này được chạm khắc cụ thể ở 6 mặt của tấm bia.

Ngoài phần chữ ghi nội dung, 6 mặt bia Côn Sơn tư phúc tự bi là hình ảnh những con rồng được tạc theo phong cách thời Mạc với thân dài, mảnh, uốn lưng ngựa, mặt quỷ, sừng trâu...

Mặt thứ nhất, trán bia trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật. Chính giữa thân bia khắc chữ “Côn”, hai bên trang trí hoa văn kiểu hoa thị. Ngoài cùng chạm hình hoa sen với hai chiếc lá mềm mại bay lên phía trước.

Mặt thứ hai, trán bia trang trí hình tượng rồng trong tư thế đang di chuyển theo phương nằm ngang. Chính giữa bia khắc chữ “Sơn” trong ô tròn, hai bên chạm nửa bông cúc mãn khai, bao quanh bông cúc là những vân xoắn.

Mặt thứ ba chạm khắc tương tự mặt thứ hai nhưng rồng được tạc trong tư thế uốn thân theo cung hình chữ nhật, đầu rồng đối diện với phần đuôi dựng đứng. Ô chính giữa của đường diềm hai bên đều tạc nửa bông cúc mãn khai. Thân bia chạm chữ “Tư” ở chính giữa, hai bên trang trí hình lá mềm mại, đối xứng nhau.


Bia Côn Sơn tư phúc tự bi mang những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc

Mặt thứ tư, trán bia chạm khắc đôi phượng chầu mặt trời, phía trên và dưới mặt trời chạm kín vân mây. Trên thân bia, chính giữa khắc chữ “Phúc”, hai bên chạm bông hoa cúc được bao quanh bởi bốn chiếc lá mềm mại.

Mặt thứ năm, trán bia trang trí hình rồng trong tư thế uốn lượn, đầu quay ngược lại phía sau. Điểm xuyết quanh rồng là hệ thống vân mây cụm và mây 3 dải. Chính giữa mặt bia khắc chữ “Tự”, hai bên chạm đôi chim trong tư thế quy chầu, ngoài cùng trang trí nửa bông cúc mãn khai.

Mặt thứ sáu, trán bia chạm khắc hình tượng rồng. Khác với rồng của các mặt trước, rồng được chạm với mặt nhìn chính diện, thân uốn lượn bao quanh khuôn mặt. Trên thân bia khắc chữ “Bi”, hai bên trang trí nửa bông sen, bao bọc quanh hoa sen là những vân dấu hỏi.

Nhiều giá trị

Bia Côn Sơn tư phúc tự bi có giá trị khoa học nghiên cứu lịch sử chùa Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII

Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIII, là nơi trụ trì của đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Nội dung văn bia ghi lại quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ XVII. Qua đó, thấy rõ quy mô chùa Côn Sơn giai đoạn này là quần thể kiến trúc hoàn chỉnh gồm 83 gian với nhiều công trình khác nhau. Đây là tư liệu khoa học để trùng tu, tôn tạo sau này.

Nghiên cứu nội dung văn bia Côn Sơn tư phúc tự bi giúp tìm hiểu hành trạng các vị tổ chùa Côn Sơn, chùa Hoa Yên, chùa Vĩnh Nghiêm và lịch sử phát triển của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Qua tư liệu văn bia đã góp phần hoàn chỉnh phả hệ các vị Quốc sư trụ trì ở chùa Côn Sơn và các hiền nhân có công xây dựng, tôn tạo khu di tích Côn Sơn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII như 3 vị tổ thiền phái Trúc Lâm triều Trần (đệ nhất tổ Điều Ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa Tôn giả, đệ tam tổ Huyền Quang Tam Giáo Trạng nguyên Tôn giả), quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, tổ sư Mai Trí Bản và các đại hòa thượng...

Suốt từ thế kỷ XIII đến nay, chùa Côn Sơn quy tụ các vua chúa, vương hầu quý tộc, các danh nhân văn hóa ở các triều đại và các vị quốc sư về trụ trì, hoằng dương Phật pháp. Hiếm ngôi chùa nào có bề dày lịch sử mang đậm dấu ấn Thiền Trúc Lâm như ở Côn Sơn.


6 mặt bia được tạc hoa văn hình rồng theo phong cách thời Mạc rất tinh xảo

Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn có vị trí và ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tín ngưỡng trong cung đình và xã hội đầu thế kỷ XVII. Xem xét tên những người công đức xây dựng chùa Côn Sơn có thể thấy ngoài bốn nhà sư nổi tiếng nhất đương thời cùng các sãi vãi, nhân dân thập phương còn có số lượng rất lớn các thị nữ, cung tần, quan thái giám, thậm chí các quận chúa, thế tử cũng đóng góp cho chùa. Do đó, chùa Côn Sơn là cơ sở thân thiết gắn bó chặt chẽ với các chúa Trịnh.

Đây là tấm bia rất quý về tư liệu lịch sử trong khoảng thời gian các chúa Trịnh tại vị mà hầu như còn ít người quan tâm khai thác. Mặt khác đối với dòng họ Trịnh và các quan lại của chúa Trịnh, chùa Côn Sơn thực sự là chỗ trông cậy tuyệt đối, nhiệm vụ của chùa là chúc phúc cho nhà vua, nhà chúa và nhận đãi ngộ ở nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp từ chúa Trịnh.

Ngày 15.2.1965 (tức ngày 14 tháng giêng năm Ất Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn và đọc bia “Côn Sơn tư phúc tự bi”. Bác vừa dịch vừa giảng giải cho những người cùng đi trong đoàn và nhân dân hiểu về nội dung của tấm bia. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thời đại, tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám phá bia Côn Sơn tư phúc tự bi