A Pa Chải nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao 1.864m so với mực nước biển, hàng năm đón nhiều du khách đến chinh phục điểm cực Tây của Tổ quốc.
Ngã ba biên giới A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là nơi có cột mốc phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.
Theo ngôn ngữ của người Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”, do đó rất thích hợp để đặt cột mốc. Cột mốc số 0 ngay ngã ba biên giới A Pa Chải được cắm vào ngày 27/6/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, cắm trên bệ hình lục giác.
Cột mốc cao 2 m với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia.
Do cột mốc A Pa Chải nằm ở khu vực biên giới trọng yếu trong quân sự, quốc phòng địa phương cũng như an ninh quốc gia nên khách du lịch muốn đến khám phá mốc cần có giấy phép của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðiện Biên.
Đoạn đường từ Đồn Biên phòng A Pa Chải đến cột mốc dài khoảng 11km, trong đó khoảng 7km đã được đổ bê tông, còn lại 4km đường đất. Do đó, hành trình của du khách ngắn hơn trước rất nhiều, chỉ mất khoảng gần 1 tiếng di chuyển bằng xe máy và leo bộ gần 600 bậc cầu thang.
Nhưng trước hết, để đến được cực Tây A Pa Chải, bạn có thể đi theo 2 hướng. Hướng đầu tiên là đi máy bay từ Hà Nội lên Điện Biên, rồi đi ô tô, hoặc xe máy từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 12 và tỉnh lộ 131 qua các huyện Nậm Pồ, Mường Chà, sau đó là huyện Mường Nhé chừng 200km. Tiếp đó, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi 50km nữa sẽ tới xã Sín Thầu.
Hướng thứ 2 là từ Hà Nội theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa. Rồi từ Sa Pa, chinh phục đèo Ô Quy Hồ dài hơn 30km. Sau khi vượt qua đèo, bạn sẽ đến huyện Tam Đường (Lai Châu), rồi đến thành phố Lai Châu, qua các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ. Lại tiếp tục theo quốc lộ 4D, dọc theo sông Nậm Na vào vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu, sang huyện Mường Lay (Điện Biên), sau đó lên Mường Nhé.
Hành trình đến với cột mốc tại ngã ba biên giới A Pa Chải vừa mang ý nghĩa chinh phục thiên nhiên, vừa thể hiện lòng quyết tâm và cả niềm tự hào về chủ quyền biên giới quốc gia.
Đứng trên đỉnh A Pa Chải, phóng tầm mắt ra xung quanh, bạn có thể thấy được đất trời bao la, rộng lớn, núi non trùng điệp, mang đến cảm giác lâng lâng khó tả.
Vào mùa thu, bên triền núi, những thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc uốn lượn như những đường viền tô điểm màu sắc cho núi non. Dưới chân núi còn có những vạt cải nương nở rộ rực vàng.
Vào mùa xuân, hoa mận, hoa mơ, hoa đào, hoa ban,… đua nhau khoe sắc, tạo nên những mảng màu tươi đẹp cho bức tranh biên giới A Pa Chải thêm đậm đà trong mắt du khách thập phương.
TB (tổng hợp)