Khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến xã: Mục tiêu còn xa

31/07/2013 08:01

Y học cổ truyền (YHCT) nằm trong chương trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, kết quả khám, chữa bệnh bằng YHCT ở tuyến này còn rất hạn chế.



Dù có vườn thuốc nam và đầy đủ cơ sở vật chất nhưng Trạm Y tế xã Bình Minh (Bình Giang)
vẫn chưa khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền


Vắng bóng bệnh nhân

Xã Bình Minh (Bình Giang) đạt chuẩn quốc gia y tế xã từ năm 2009. Trạm Y tế xã có 2 dãy nhà khang trang với đầy đủ 12 phòng chức năng theo quy định. Trong đó, có 1 phòng đông y được trang bị tủ thuốc, bàn khám nhưng phòng khám lại trong tình trạng "cửa khóa then cài" lâu ngày không sử dụng đến. Tủ thuốc vẫn còn mới nguyên, bên trong không có thuốc. Khi phóng viên đến làm việc, cả buổi chiều chỉ có 1 vài bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và không có trường hợp nào hỏi về bắt mạch, kê đơn. Ông Vũ Đức Nguyện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Minh cho biết: "Vài năm về trước, trạm có 1 cán bộ có chứng chỉ về đông y do Hội Đông y tỉnh cấp. Sau đó, do không phát huy được tay nghề nên đã đi học cử nhân điều dưỡng và hiện tại thì kiêm nhiệm cả đông y và tây y. Tuy nhiên, trên thực tế thì gần như trạm không có hoạt động khám, chữa bệnh nào về đông y". Vì thế, việc kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại theo quy định càng khó thực hiện. Hơn nữa, Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang lại nằm trên địa bàn xã nên Trạm Y tế xã Bình Minh cũng không có bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Vì vậy, cơ hội để trạm phát triển YHCT càng khó khăn hơn.

Theo ông Mai Hải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Giang, toàn huyện có 4 xã gồm: Thái Học, Bình Xuyên, Thái Dương, Cổ Bì hợp đồng với lương y giỏi đặt phòng chẩn trị YHCT tại trạm y tế nên hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT và kết hợp với y học hiện đại khá tốt. Những xã còn lại dù có cán bộ phụ trách đông y với trình độ y sĩ đông y hoặc có chứng chỉ về đông y nhưng vẫn không phát huy được và hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, người dân chủ yếu khám, chữa bệnh bằng đông y khi mắc các căn bệnh mãn tính, còn các bệnh thông thường họ vẫn sử dụng tây y. Hơn nữa, đa số người dân chỉ tin tưởng các lương y đã hành nghề lâu đời, có bài thuốc gia truyền còn những y sĩ YHCT mới ra trường, thường ít được tín nhiệm. Ông Đỗ Huy Du, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Sách cho biết, huyện có 10 trong tổng số 19 trạm y tế xã, thị trấn có y sĩ YHCT nhưng chỉ một vài trạm được nhân dân tin tưởng đến bắt mạch bốc thuốc như Phú Điền, Quốc Tuấn... Những trạm này, do cán bộ là những lương y có tên tuổi nên tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT có thể lên tới 50 - 70%. Tuy nhiên, những trạm còn lại hầu hết y sĩ còn trẻ nên hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT còn ít. Hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT chủ yếu thực hiện kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu kết hợp với điều trị tây y. Một số ít trạm có sử dụng các loại thuốc nam trong điều trị các chứng bệnh thông thường như cảm, sốt. Bên cạnh đó, hầu hết các trạm y tế còn thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT.

Cần quan tâm đầu tư

Toàn tỉnh hiện có 243 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế nhưng hiện nay chỉ có 142 trạm y tế xã có cán bộ YHCT (trong đó có 3 bác sĩ, 111 y sĩ, 3 lương y, 25 cán bộ có chứng chỉ tập huấn về đông y). Theo quy định của Bộ Y tế đối với các xã đã đạt chuẩn thì trạm y tế phải tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT (hoặc kết hợp với y học hiện đại) đạt từ 30% số người đến khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế kết quả khám, chữa bệnh bằng YHCT qua các năm ở các trạm y tế cơ sở vẫn đạt thấp, năm 2011 đạt tỷ lệ 14,3%, năm 2012 đạt khoảng 20%.

Theo ông Nguyễn Đình Đãng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, nguyên nhân tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT đạt thấp là do việc đầu tư cho YHCT còn thấp so với y học hiện đại; các cơ sở YHCT còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực có trình độ đại học. Biên chế tại các trạm y tế xã chỉ có 5 người, xã hơn 8.000 dân có 6 người nên khó bố trí cán bộ YHCT. Một số trạm, cán bộ YHCT sau khi về hưu hoặc chuyển công tác rất khó tuyển dụng người mới. Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm y tế cho khám, chữa bệnh bằng YHCT tại trạm y tế còn hạn chế. Bảo hiểm y tế mới áp dụng thanh toán điều trị không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.

Sở Y tế vừa xây dựng kế hoạch phát triển YHCT tỉnh Hải Dương đến năm 2020 trình UBND tỉnh. Theo đó, ngành y tế xác định các nội dung cần quan tâm thực hiện là kiện toàn tổ chức bộ máy mạng lưới YHCT, 100% số trạm y tế có phòng khám đông y, có cán bộ chuyên trách YHCT. Tăng cường sử dụng thuốc nam và các phương pháp không dùng thuốc để chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Phát triển, nuôi, trồng dược liệu, sản xuất thuốc đông dược; sưu tầm, kế thừa các bài thuốc gia truyền, kinh nghiệm khám, chữa bệnh của các lương y cao tuổi... Theo lộ trình, ngành y tế phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ người bệnh khám, chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến xã đạt 30%; đến năm 2020 đạt tỷ lệ 40% tổng số người khám, chữa bệnh. Ngành y tế sẽ khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất thuốc đông dược tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng các tiến bộ khoa học và các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YHCT vào thực tiễn. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển công tác YHCT tỉnh đến năm 2020 theo 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã. Xây dựng kế hoạch để cân đối và ưu tiên đào tạo cán bộ YHCT cho các tuyến; tăng cường đào tạo bác sĩ YHCT bằng các hình thức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông...

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến xã: Mục tiêu còn xa