Để vải thiều Thanh Hà phát huy được lợi thế, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành phổ biến kỹ thuật chăm sóc và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng hàng trăm năm nay, gắn liền với vùng đất xứ Đông. Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà. Ðây là cơ sở để làm tăng giá trị kinh tế cho người trồng vải, góp phần tăng giá trị tích luỹ cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà, giữ gìn và phát triển một sản vật truyền thống của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều như thế nào cho xứng tầm với sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vấn đề cần được quan tâm.
Việc xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội đối với người dân Thanh Hà: chứng minh tính chất và chất lượng đặc thù của đặc sản vải thiều được trồng trên đất Thanh Hà, góp phần làm tăng giá trị của vải thiều, giữ gìn và phát triển danh tiếng một sản phẩm truyền thống của tỉnh. Chỉ dẫn địa lý được Nhà nước bảo hộ còn góp phần chống lại các hành vi lợi dụng danh nghĩa Thanh Hà để bán sản phẩm vải nơi khác; bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vải thiều Thanh Hà thường bị đánh đồng với những loại vải khác, giá bán giảm. Do đó, mặc dù năng suất vải tăng lên đáng kể song giá trị kinh tế thì không tăng, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người trồng vải. Nguyên nhân là do thời điểm thu hoạch vải thiều ngắn, vải chín rộ trong vòng một tháng, nếu chậm thu hoạch quả sẽ bị thâm, làm giảm chất lượng. Mặt khác, một số địa phương trong nước như tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây cũng trồng vải với diện tích lớn, thời vụ thu hoạch trùng với mùa vải của Hải Dương, nên nhiều thương lái và người bán hàng đã mượn thương hiệu vải thiều Hải Dương, đặc biệt là vải thiều Thanh Hà để đánh lừa người tiêu dùng. Việc đầu tư quảng bá phát triển thị trường của Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều còn lúng túng, chưa có chiến lược cụ thể, năng lực còn hạn chế.
Để vải thiều Thanh Hà phát huy được lợi thế, giúp người nông dân làm giàu, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc cải tiến giống, phổ biến kỹ thuật chăm sóc và chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan nhà nước, đặc biệt là các đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp để giữ ổn định giá xuất khẩu. Cần củng cố và phát triển Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều đủ năng lực thực hiện được vai trò quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Thanh Hà; các cấp, ngành cần hỗ trợ hiệp hội xây dựng hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà, giúp nông dân quảng bá sản phẩm. Người dân cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều và chất lượng dịch vụ. Việc xây dựng hệ thống quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm vải thiều là vấn đề cấp thiết nhằm phát huy hiệu quả của chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, góp phần bảo tồn và phát triển vùng đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà nói riêng và Hải Dương nói chung.
PHẠM NINH HẢI (Sở Khoa học và Công nghệ)