Con sông Đồng Mẩn ôm trọn khu trồng vải ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) đã tạo nên khung cảnh rất đỗi nên thơ mỗi mùa vải chín.
Miệt vườn sông nước Thanh Khê sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nay mai .Ảnh: Mai Anh
Đây chính là điều kiện để huyện Thanh Hà có thể khai thác tiềm năng du lịch bên cạnh giá trị kinh tế từ cây vải.
Thu hút du khách
Năm nay, ngoài những điểm tham quan đã được biết đến như cây vải tổ, khu du lịch sinh thái sông Hương, du khách về với Thanh Hà còn có cơ hội trải nghiệm miệt vườn sông nước tại vùng vải Thanh Khê. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở Hà Nội biết đến nơi đây qua giới thiệu của đồng nghiệp và chuyến đi này không làm chị thất vọng. Ngồi thuyền ngắm rặng vải sai trĩu soi bóng xuống mặt sông, luồn qua từng tán vải để tự tay hái và thưởng thức những quả vải tươi ngon là kỷ niệm khó quên với chị Ánh. “Tôi rất bất ngờ khi gần Hà Nội lại có điểm du lịch lý tưởng đến vậy. Sau những bộn bề công việc, mọi người thường muốn gần gũi với thiên nhiên để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Vùng trồng vải Thanh Khê chính là lựa chọn hợp lý nhất. Mặc dù vẫn còn mang tính tự phát song những gì mà thiên nhiên ưu đãi cho mảnh đất này hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành khu du lịch hấp dẫn trong nay mai”, chị Ánh nói.
Háo hức tìm về khu đồng Mẩn để mục sở thị vùng vải đẹp như tranh theo chỉ dẫn của những du khách đã đến trước rồi chia sẻ trên mạng xã hội nhưng anh Nguyễn Tiến Đạt ở Thái Bình đành lỡ hẹn với tour du lịch thú vị này vì vải đã thu hoạch xong. Theo anh Đạt, khi nhìn thấy những bức ảnh chụp về khu đồng trồng vải ở Thanh Khê, anh đã rất tò mò. Vải thiều ngày nay được trồng ở nhiều nơi nhưng ngồi thuyền đi dọc bờ sông ngắm những cây vải sum suê quả, đỏ rực một góc trời thì chỉ Hải Dương mới có. Sông nước cùng với bóng cây xua tan oi bức, ngột ngạt của ngày hè. Sự kết hợp hoàn hảo này tạo ra dấu ấn riêng thu hút du khách dù chưa được quảng bá bài bản. “Đáng tiếc là vụ vải quá ngắn nên tôi chưa thể trải nghiệm điểm du lịch mới mẻ này. Song chắc chắn năm sau tôi sẽ tới đây để có thể thỏa mãn những tò mò, háo hức bấy lâu”, anh Đạt khẳng định.
Ngồi thuyền tự tay hái và thưởng thức những quả vải tươi ngon sẽ là kỷ niệm khó quênvới du khách. Ảnh: Thành Chung
Vụ vải năm nay, khu đồng Mẩn, đồng Quao trở thành điểm nhấn thú vị thu hút du khách tìm về Thanh Hà. Vẻ đẹp bình dị mang đặc trưng riêng này là nền tảng để huyện có thể khai thác tối đa lợi ích từ cây vải.
Tiếp thu ý kiến của du khách để hoàn thiện
Từ những phản hồi tích cực của du khách cũng như chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển sau khi khảo sát thực tế khu vực này, huyện Thanh Hà đang gấp rút xây dựng phương án để khu đồng Mẩn, đồng Quao trở thành tiểu khu du lịch độc đáo trong khu du lịch sinh thái sông Hương.
Men theo những con đường nhỏ ở Thanh Khê là những vườn vải chín mọng. Ảnh: Thành Chung
Sông Đồng Mẩn là sông nội đồng có chiều dài 5 km, rộng 0,4 km. Đây là kích thước lý tưởng để phát triển loại hình du lịch miệt vườn sông nước. Chiều dài con sông phù hợp cho du khách tham quan toàn tuyến mà không cảm thấy mệt mỏi, còn chiều rộng vừa đủ để du khách có thể quan sát cảnh vật 2 bên bờ sông. Trước kia, một vài đoạn sông được UBND xã cho hộ dân đấu thầu để nuôi cá. Hiện tại chỉ còn 2 hộ trồng ấu trên tuyến sông này. “Để bảo đảm lòng sông thông thoáng, xã sẽ chấm dứt hợp đồng với các hộ đang có hoạt động trên sông, tránh những phát sinh trong quá trình khai thác tuyến sông phục vụ cho du lịch miệt vườn. Xã cũng đang nghiên cứu trồng sen ở một số điểm bên bờ sông nhằm tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách”, ông Đặng Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết.
Để có thể khai thác bền vững, lâu dài tiềm năng du lịch tại khu vực này, cần xây dựng hạ tầng đồng bộ. Bố trí bãi đỗ xe và công trình phụ trợ ở các vị trí hợp lý. Mặt khác, vụ vải diễn ra ngắn, chỉ từ 15-20 ngày nên cần tính toán đến việc đa dạng cây trồng để kéo dài thời gian đón khách tham quan. Xã đang tính toán, lựa chọn các cây trồng có thể cho thu hoạch trước và sau cây vải như cam, nhãn, na, bưởi… Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là cây vải, đặc sản của địa phương. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là khu đồng Mẩn, đồng Quao rộng khoảng 10 ha đang có 30 hộ trồng vải. Nếu không có sự thống nhất giữa các hộ sẽ dẫn tới tình trạng mạnh ai nấy làm. Vì vậy, xã đang nghiên cứu phương án thành lập HTX phát triển du lịch từ cây vải nhằm gắn kết các hộ”, ông Khái thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, huyện đang tích cực triển khai các phương án để tiểu khu du lịch Thanh Khê có thể đi vào hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương ngay trong vụ vải tới. Tuy nhiên, để tránh lãng phí, huyện chủ trương khai thác những lợi thế sẵn có phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Tiểu khu du lịch miệt vườn sông nước Thanh Khê sẽ hoàn thiện dần trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ du khách chứ không do ý tưởng chủ quan của địa phương.
DŨNG CƯỜNG