Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV

09/12/2014 08:26

Sáng 9-12, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV khai mạc trọng thể tại Hội trường HĐND và UBND tỉnh.




Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thành Chung

Các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Công, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp về phía khách mời Trung ương có đồng chí Phan Văn Bính, Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng; về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII ứng cử trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 56 trong tổng số 61 đại biểu HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nêu rõ: Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 của Hải Dương đạt được kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,7% so với năm 2013 (kế hoạch từ 7 - 7,5%). Tổng thu ngân sách nội địa ước đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 117,2% dự toán năm, tăng 15,8% so với năm 2013. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được duy trì, công tác an sinh xã hội được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố và tăng cường.



Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Chung


Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 như kinh tế mặc dù đang trên đà hồi phục nhưng còn chậm; cơ cấu tín dụng chưa hợp lý, nợ xấu có xu hướng tăng; xây dựng nông thôn mới nhìn chung còn chậm. Môi trường đầu tư chưa được cải thiện đáng kể; các hoạt động liên quan đến cấp chứng nhận đầu tư, giao đất còn kéo dài ảnh hưởng đến cơ hội và tiến độ, hiệu quả đầu tư. Nợ xây dựng cơ bản còn lớn, việc bố trí vốn đầu tư của khu vực cấp huyện còn dàn trải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa có biện pháp giải quyết đồng bộ và hiệu quả. Công tác đào tạo nghề còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn; tình trạng lạm thu đầu năm học, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn xảy ra. Chưa quan tâm đúng mức đầu tư cho lĩnh vực y tế ở cơ sở, do đó cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã còn yếu. Các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính vẫn còn gây nhiều bức xúc cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân; công tác cải cách hành chính chưa có chuyển biến rõ nét.

Nêu bật tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến nhấn mạnh, năm 2015 là năm quan trọng, năm cuối trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015). Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp lần này cần đánh giá trung thực, khách quan tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 vừa qua, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém; phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, tìm ra nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành; đồng thời đề ra được những biện pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong năm 2015. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu: “Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ thị trường, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; ưu tiên các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định xã hội và đời sống nhân dân” mà Nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7 đã đặt ra.

Tại kỳ họp lần này, HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, do đó, đồng chí Bùi Thanh Quyến nhấn mạnh đây là công việc hết sức hệ trọng, là thước đo, tiêu chí đánh giá cán bộ, kết quả của việc lấy phiếu có ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín, trách nhiệm thực hiện công vụ của các đồng chí giữ những chức danh chủ chốt của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo này, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ, chính xác.(Toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến)

Thu ngân sách vượt 17,2%

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014, kế hoạch năm 2015.



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ
phát triển KT-XH năm 2014, kế hoạch năm 2015. Ảnh: Thành Chung


Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. 16 trong số 17 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng ước đạt 7,7% so với năm 2013 (kế hoạch từ 7-7,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ tăng 7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Tổng thu ngân sách nội địa ước đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 117,2% dự toán năm, tăng 15,8% so với năm trước. Lĩnh vực xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực, giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 4 tỷ 18 triệu USD, bằng 157,5% kế hoạch năm, tăng 15,7% so với năm 2013, tập trung chủ yếu ở khu vực FDI (chiếm tỷ trọng 97%, tăng 15,4%). Giá trị nhập khẩu ước đạt 3 tỷ 529 triệu USD, tăng 12,2% so với năm trước. Toàn tỉnh đón và phục vụ khoảng 2,8 triệu lượt khách, tăng 0,8% so với năm 2013. Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.225 tỷ đồng, tăng 9,6 % so với năm 2013.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá với tổng vốn đăng ký 509,32 triệu USD, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2013. Trong đó, cấp mới 32 dự án, với tổng vốn đăng ký 351,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 24 dự án với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 157,42 triệu USD. Một số dự án có vốn đầu tư khá từ Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc...

Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững. Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển toàn diện, vững chắc, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Công tác phổ cập giáo dục được thực hiện tốt ở các cấp học, bậc học. Hải Dương xếp thứ 6 toàn quốc về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, có thêm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 33.552 lao động (vượt 5% kế hoạch). Hoàn thành kế hoạch tuyển mới dạy nghề cho 30.000 lao động, trong đó tuyển sinh dạy nghề cho 7.625 lao động nông thôn. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,82% xuống 4,62%. Công tác tư pháp, thanh tra và phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực. Chất lượng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết...

Bên cạnh đó, tình hình KT-XH năm 2014 còn bộc lộ một số hạn chế. Kinh tế phục hồi còn chậm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp (tăng 5,5% so với năm 2013), nợ xấu còn cao (ước 945 tỷ đồng), chiếm 2,5% tổng dư nợ, tăng 1,6% so với năm 2013. Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời; thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về quy hoạch, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, giải phóng mặt bằng còn nhiều phức tạp; tiếp cận vốn vay ngân  hàng còn nhiều khó khăn. Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán các khu đô thị còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu. Đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, còn xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Tình trạng dạy thêm, học thêm chưa được giải quyết triệt để. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc chấp hành pháp luật về lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, nợ bảo hiểm xã hội còn lớn. Tai nạn, tệ nạn xã hội còn nhiều và diễn biến phức tạp...

Năm 2015, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển đổi định hướng phát triển trên các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chủ yếu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 7,5% trở lên. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ tương ứng 15,6% - 52,3% - 32,1%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 44,2 triệu đồng. Thu ngân sách nội địa (không kể thu sử dụng đất) đạt 5.575 tỷ đồng, phấn đấu tăng thu 5% trở lên. Giảm tỷ lệ sinh 0,18%, giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12%. Giải quyết việc làm mới cho 3,2 vạn lao động...

20% số doanh nghiệp không hoạt động



Ông Hoàng Văn Bảo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế 2015 do Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Văn Bảo trình bày nêu rõ: Mặc dù kinh tế có bước phục hồi mạnh nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Ngành Dịch vụ tăng trưởng không đạt kế hoạch và thấp hơn nhiều so với năm trước. Ngành công nghiệp dù có giá trị sản xuất tăng 12,7% nhưng đóng góp cho mức tăng trưởng chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn của Trung ương, doanh nghiệp FDI và một số sản phẩm như lắp ráp ô-tô, điện, đá xây dựng, thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương còn rất khó khăn. Tính đến cuối tháng 10-2014, có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh không kê khai thuế, đồng nghĩa với việc chưa đi vào hoạt động. Nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất.... còn ở mức cao.

Tổng cầu xã hội, nhất là cầu tiêu dùng của thị trường còn thấp. Tổng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ năm 2014 ước đạt 11,4%, thấp hơn năm 2013 và nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì kinh tế của tỉnh chỉ tăng khoảng 7.5%%. Dư nợ cho vay nền của kinh tế tăng trưởng âm liên tục trong 10 tháng đầu năm 2014, cả năm chỉ tăng 5,5% so với năm 2013, không đạt kế hoạch và thấp hơn mức bình quân cả nước.

Cải cách hành chính chưa đạt kết quả như mong muốn. Chỉ số cải cách hành chính tụt 7 bậc trong bảng xếp hạng quốc gia. Nhiều thủ tục còn phiền hà, gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, nhiều khi làm lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp...

Tiếp đó, các đại biểu HĐND tỉnh nghe Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Mai báo cáo thẩm tra chung về tình hình văn hóa - xã hội năm 2014.



Bà Nguyễn Thanh Mai, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án đã được phê duyệt quyết toán

Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và dự kiến kế hoạch năm 2015.



Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái: Vốn bố trí phải theo nguyên tắc bố trí đủ vốn
cho dự án đã được phê duyệt quyết toán. Ảnh: Thành Chung


Theo đó, vốn đầu tư năm 2014 về cơ bản đã được bố trí tập trung, ưu tiên cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản, đầu tư dự án dở dang có thể hoàn thành trong năm 2014 và tập trung bố trí vốn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trọng điểm, như dự án cầu Hàn, đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc; chỉ bố trí vốn cho dự án khởi công mới thuộc nhiệm vụ tu bổ đê điều hằng năm, ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và một số dự án thực sự cấp bách, cần thiết phải đầu tư trong năm. Vì vậy, năm 2014 vốn đầu tư đã phát huy và sử dụng hiệu quả hơn; tình trạng bố trí vốn đầu tư dàn trải cơ bản được khắc phục; tiến độ đầu tư của các dự án đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhiều dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, trực tiếp góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc.

Tổng giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến 31-12-2014 của các dự án trong kế hoạch vốn năm 2014 ước đạt 6.311 tỷ 401 triệu đồng, bằng 104% kế hoạch vốn đã giao là 6.074 tỷ 745 triệu đồng. Trong đó, năm 2014 tổng giá trị khối lượng thực hiện 1.481 tỷ 314 triệu đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao là 1.850 tỷ 191 triệu đồng; hoàn thành và cơ bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 23 dự án trong tổng số 75 dự án đầu tư chuyển tiếp và khởi công mới. Nợ xây dựng cơ bản đến 31-12-2014 của các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác khoảng 1.565 tỷ 119 triệu đồng.

Về kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, vốn bố trí phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm và theo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho dự án đã được phê duyệt quyết toán; tập trung ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và dự án dự kiến hoàn thành năm 2015; hạn chế tối đa dự án khởi công mới. Dự án khởi công mới năm 2015 phải là dự án thực sự cấp bách, tổng số vốn giao cho dự án trong năm (từ tất cả các nguồn vốn) so với tổng mức đầu tư được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 20% đối với dự án nhóm B và 35% đối với dự án nhóm C.

Tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên

Kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2014; dự toán thu chi ngân sách năm 2015 và phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2015 do đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính trình bày nêu rõ: Năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 115% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 117,2% so với dự toán và bằng 122,3% so với trung ương giao, tăng 15,8% so với năm 2013. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 104,6% dự toán năm,  tăng 6,4% so với thực hiện năm 2013.



Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng. Ảnh: Thành Chung

Các khoản tăng thu so với dự toán giao (tăng thu 1.103,7 tỷ đồng), trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 117,9% dự toán, bằng 105,3% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 170 tỷ đồng); khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 141,4% dự toán trung ương giao và bằng 130,4% dự toán, tăng 34,6% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thu 568 tỷ); thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 123,2% dự toán trung ương giao và bằng 117% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thu 170 tỷ đồng); thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 106,7% dự toán, bằng 99,1% so với cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 133,3% dự toán trung ương giao và bằng 125,3% dự toán (tương ứng tăng thu 80,8 tỷ)... Bên cạnh đó, có một số khoản hụt thu so với dự toán với tổng số tiền 163,7 tỷ đồng, trong đó, hụt thu tiền sử dụng đất 100 tỷ đồng, tiền thuê đất 23,5 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 10 tỷ đồng...

Tổng chi ngân sách năm 2014 ước đạt 11.500 tỷ 57 triệu đồng, đạt 150% dự toán năm, chủ  yếu tăng chi do chương trình mục tiêu ngân sách trung ương bổ sung và chuyển nguồn từ năm 2013 sang và chi từ nguồn tăng thu năm 2014. Trong đó, chi đầu tư phát triển: 2.518 tỷ 765 triệu đồng, đạt 235% dự toán năm. Chi thường xuyên 6.875 tỷ 649 triệu đồng, đạt 122% so với dự toán. Bổ sung quỹ dự trữ tài chính 2 tỷ 338 triệu đồng đạt 190% dự toán. Các chương trình mục tiêu trung ương cân đối qua ngân sách địa phương 2.077 tỷ 046  triệu đồng, đạt 278% dự toán năm. Chi quản lý qua ngân sách nhà nước 26 tỷ 259 triệu đồng...

Năm 2015, thu ngân sách nhà nước trung ương giao 7.705 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 6.175 tỷ đồng (trong đó thu tiền sử dụng đất 600 tỷ đồng), tăng 17,9% so với dự toán năm 2014; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.530 tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán 2014.

Trên cơ sở dự toán nguồn thu, tổng chi năm 2015 là 8.171 tỷ 983 triệu đồng. Nguyên tắc phân bổ dự toán năm 2015 phải bảo đảm chi cho con người (gồm lương, phụ cấp và các chế độ chính sách); chế độ, chính sách an sinh xã hội, dành nguồn lực cho các chế độ đã phát sinh tăng thêm trong năm 2014; sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cần thiết: kinh phí mua vắc-xin, kinh phí phục vụ đại hội Đảng cấp huyện, cấp xã; kinh phí thành lập các đơn vị mới; ưu tiên kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi cho TP Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn nâng cấp đô thị; hạn chế bố trí nguồn để thực hiện chế độ chính sách mới đặc thù riêng của địa phương phát sinh trong năm 2015; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương...

Đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động chống phá



Đại tá Bùi Ngọc Phi, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thành Chung


Báo cáo kết quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 do đồng chí Bùi Ngọc Phi, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh nêu rõ: năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước và trong tỉnh có nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến tình hình, công tác bảo vệ an ninh trật tự nhưng UBND tỉnh đã quán triệt nghiêm túc nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ an ninh trật tự; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tình hình an ninh quốc gia trên địa bàn được bảo đảm. Kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả, không để xảy ra hoạt động lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; chủ động giải quyết các điểm mâu thuẫn, khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, không để phát sinh thành điểm nóng, trong đó tập trung chỉ đạo giải quyết ổn định tình hình khiếu kiện phức tạp, kéo dài tại Châu Xá (Duy Tân, Kinh Môn). Tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp về tội phạm, trật tự xã hội; huy động tối đa các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp để xử lý, khong để tồn tại, bức xúc kéo dài. Công tác điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Công tác cải cách tư pháp được chú trọng, quan tâm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực công tác phòng, chống tội phạm. Trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thường xuyên được quan tâm chỉ đạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự", góp phần tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ ninh ninh trật tự còn một số tồn tại như công tác phòng ngừa xã hội còn hạn chế, một bộ phận quần chúng nhân dân còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, sơ hở trong bảo vệ tài sản dễ bị tội phạm lợi dụng hoạt động pháp luật trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản; công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho cán bộ và nhân dân hiệu quả chưa cao; một số lực lượng chức năng chưa chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng công an để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn...

Năm 2015, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả ác nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Chủ động nắm bắt và xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp để kích động biểu tình trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh trật tự. Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, không để hình thành tổ chức, hội nhóm trái phép trên địa bàn tỉnh... Ban Chỉ đạo 138 tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người... Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đẩy mạnh cải cách hành chính. Quản lý chặt chẽ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự thường bị lợi dụng để hoạt động phạm tội và tệ nạn xã hội. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc



Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thành Công. Ảnh: Thành Chung

HĐND tỉnh nghe Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thành Công báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV. Tại các buổi tiếp xúc, đã có 1.490 cử tri tham dự với 125 ý kiến tham gia trực tiếp và bằng văn bản. Nội dung kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực sau:

Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Cử tri các huyện Thanh Hà, Kim Thành phản ánh việc triển khai, tổ chức dạy nghề thủ công tới vùng nông thôn chưa mang lại hiệu quả thiết thực, các lớp dạy nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế. Cử tri đề nghị tỉnh chuyển nguồn kinh phí đầu tư dạy nghề sang đầu tư cho việc chuyển giao khoa học công nghệ ở các địa phương. Quan tâm, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng địa phương. Có quy hoạch xây dựng và phát triển vùng vải thiều đặc sản Thanh Hà...

Cử tri các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng... đề nghị tỉnh nên đưa việc chỉnh trang đồng ruộng trước rồi mới dồn điền đổi thửa, nâng mức hỗ trợ, cắt khâu thiết kế, thẩm định giúp đỡ địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; sớm hỗ trợ tiền những nơi đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa...

Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng: Cử tri các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh bổ sung kinh phí đối với những xã kinh tế khó khăn, đạt ít tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nâng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như kiên cố hóa kênh mương, trường học, đường... Tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã phấn đấu đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đăng ký năm 2014 và 2015.

Cử tri một số huyện, thị xã đề nghị ngành điện đẩy nhanh bàn giao, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện nông thôn; kéo đường dây điện vào xóm 30 gia đình ở Cầu Dòng (Chí Linh) - nơi các hộ dân vẫn phải sử dụng công tơ chung; cử tri xã Gia Lương (Gia Lộc) đề nghị làm rõ việc ngành điện thu 1,5 triệu đồng/cột khi người dân di chuyển cột điện phục vụ xây dựng nông thôn mới...

Cử tri Thanh Hà đề nghị Ban Quản lý dự án xây dựng nước sạch thanh toán 10% số tiền đối ứng của người dân. Cử tri Chí Linh đề nghị có giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Cộng Hòa (phường Cộng Hòa); hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đoạn 37 từ cây xăng Côn Sơn đi xã Lê Lợi đã xuống cấp nghiêm trọng; hỗ trợ xây dựng tiếp đường Nguyễn Huệ, công trình phụ trợ cho khu đô thị Việt Tiên Sơn, khu đô thị Hoàn Hảo để sớm đưa vào sử dụng.

Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị mở rộng tỉnh lộ 390C từ ngã ba Việt Hồng đến đò Giải (xã Thanh Lang); mở rộng đường tỉnh 390 đoạn qua xã Hồng Lạc; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa Thanh Hà.

Cử tri huyện Tứ Kỳ đề nghị nhà thầu thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đền bù lún nứt nhà 45 hộ dân ở xã Bình Lãng...

Lĩnh vực tài nguyên, môi trường: Cử tri nhiều nơi đề nghị tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án có diện tích đất bỏ hoang từ nhiều năm nay, đồng thời tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tránh gây lãng phí quỹ đất. Cử tri các huyện, thị xã, thành phố: Thanh Hà, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Chí Linh và TP Hải Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Cử tri xã Thanh An (Thanh Hà) phản ánh vẫn còn tình trạng giao đất trái thẩm quyền tại địa phương. Cử tri Cẩm Giàng đề nghị tỉnh chỉ đạo Công ty Phúc Hưng thu hồi đất nhưng chưa bồi thường đền bù cho người dân.

Cử tri đề nghị tỉnh có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hồng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; di dời bãi chôn lấp rác thải ở xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) giáp ranh khu chuyển đổi kinh tế của người dân nơi đây; có quy hoạch làng nghề Mộc (Đông Giao, Cẩm Giàng), làng nghề Vàng Bạc (Châu Khê, Bình Giang) đồng thời có kế hoạch giải quyết ô nhiễm cho các làng nghề này; chỉ đạo xử lý ô nhiễm sông Cửu An do các nhà máy ở Hưng Yên gây ra...

Lĩnh vực xã hội: Cử tri đề nghị xem xét, tăng cường công tác thanh tra việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học; xử lý nghiêm tình trạng chạy trường, chạy lớp ở các cấp học; thu, chi trái quy định trong nhà trường; nhiều bất cấp trong việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học.

Cử tri huyện Cẩm Giàng phản ánh Công ty Vạn Lợi ngừng sản xuất nhưng vẫn nợ lương công nhân. Cử tri TP Hải Dương đề nghị chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo, tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TP Hải Dương; tăng cường quản lý hoạt động của đội kèn và đội ngũ phục vụ tang lễ, bảo đảm đúng quy định. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc khi đã có hồ sơ chứng minh nghiện ma túy...

Về chế độ chính sách: Cử tri thị trấn Cẩm Giàng đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể để xét hộ nghèo. Cử tri Chí Linh đề nghị việc truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cần theo đợt; đề nghị thanh tra, kiểm tra những người không điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công nhưng lại ký nhận 50% kinh phí.

Cử tri trong tỉnh đề nghị xem xét lại quy định quan tâm, hỗ trợ phụ cấp cho phụ trách Hội Thanh niên xung phong có từ 50 hộ viên trở xuống; có chế độ cho những người đang công tác nhưng trước đây có tham gia phục vụ trong quân ngũ chưa được hưởng chế độ; hạ độ tuổi được hưởng chế độ người cao tuổi từ 80 tuổi như hiện nay xuống 75 tuổi; giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam, người có công...; việc cấp phát lương hưu và trợ cấp qua hệ thống bưu điện còn nhiều bất cập...

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV