Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII

21/03/2016 10:20

Đúng 9 giờ ngày 21-3, Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp

Nhiều nội dung quan trọng

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và sôi nổi hướng tới Ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Kỳ họp thứ 11 còn tập trung thời gian tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, QH và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Kỳ họp thứ 11 là thời điểm để các đại biểu QH cùng nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Kỳ họp thứ 11 với khối lượng công việc khá lớn, nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình QH; tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự theo tiến độ đã xác định; trân trọng đề nghị các vị đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tăng trưởng GDP cao nhất kể từ năm 2008

Tiếp đó, QH đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2016 và báo cáo kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020.



Toàn cảnh phiên khai mạc


Trong tổng số 14 chỉ tiêu QH giao năm 2015, có 12 trong tổng số 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ngoài 1 chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt như đã báo cáo QH, qua đánh giá lại có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu cũng không đạt. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP cả năm 2015 đạt khoảng 6,68% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo QH (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra (6,2%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định trong năm 2016 là tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống, khắc phục tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, chăm lo ổn định đời sống nhân dân, không để cho người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh...

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, dự báo tình hình, Chính phủ đề xuất trong kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2016-2020 với các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4%.

Cử tri bất bình việc Trung Quốc bố trí vũ khí trên đảo Việt Nam


Cũng trong buổi sáng, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết có 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Trong những tháng đầu năm 2016, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong cả nước quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân...
Cử tri và nhân dân quan tâm, mong muốn cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 kế thừa và phát huy thành công Đại hội đảng bộ các cấp, lựa chọn những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.

Còn phân biệt trong cung cấp thông tin cho báo chí


Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng cần quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để tạo điều kiện cho báo chí thông tin kịp thời, chính xác, góp phần định hướng dư luận. Đại biểu Thúy cũng đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan chức năng trả lời trên báo chí để tránh tình trạng vụ việc được báo chí phản ánh nhưng không được trả lời nên "rơi vào im lặng".



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương . Ảnh: Đình Nam


Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra hiện các cơ quan báo chí còn bị phân biệt trong việc cung cấp thông tin. “Đề nghị bổ sung thêm quy định cấm phân biệt đối xử khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Hiện có tình trạng nhiều cơ quan công quyền chỉ cung cấp thông tin cho những tờ báo lớn, báo trung ương nhưng lại gây khó khăn đối với các tờ báo địa phương”, đại biểu Trang nói.

Quan tâm đến sự an toàn của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng cần có quy định về việc xử lý hình sự đối với các hành vi hành hung nhà báo khi tác nghiệp. “Ngày càng nhiều vụ việc hành hung nhà báo do quy định vấn đề xử lý còn chung chung nên chưa góp phần bảo vệ nhà báo trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình”, đại biểu Tính nói.

Một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp...

Cũng trong buổi chiều, QH nghe Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

TTXVN-TT

(0) Bình luận
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII