Những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... ghép từ lụa vụn bỗng mang một vẻ đẹp mới độc đáo. Người xem càng bất ngờ hơn khi biết rằng đó là những tác phẩm do người khuyết tật làm ra.
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội
Ngày 18.4, triển lãm “Những mảnh vụn” khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội, giới thiệu 40 bức tranh thuộc đề tài tranh dân gian Việt Nam, chân dung danh nhân, phong cảnh. Tất cả đều được ghép từ những mảnh vải vụn bỏ đi.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là các tác phẩm này được làm ra bởi bàn tay những người khuyết tật, tự kỷ của Hợp tác xã Vụn Art, Vạn Phúc, Hà Nội.
Đến với triển lãm, khách tham quan sẽ được tìm hiểu quá trình làm ra các tác phẩm, lắng nghe câu chuyện truyền cảm hứng của những con người vượt lên nghịch cảnh. Câu chuyện của chị Nguyễn Thùy Linh ở Hà Đông, Hà Nội, là một ví dụ điển hình.
Vốn là một cô giáo mầm non, không may mắc bệnh về xương khiến chị Linh yếu dần và không thể đi lại được. Cùng lúc đó, hôn nhân tan vỡ khiến chị thu mình lại, nhốt mình trong nhà suốt 4 năm. Trở thành người khuyết tật, không thể tiếp tục với công việc cũ, chị trở nên buồn chán, cuộc sống gần như bế tắc khi phải nuôi con một mình, bố mẹ già yếu.
Các thành viên Vụn Art thực hiện quy trình làm tranh vải, sản phẩm ứng dụng từ vải vụn ngay tại triển lãm
Chia sẻ với phóng viên, Linh cho hay chị biết tới Vụn Art khi xem chương trình “Việc tử tế” trên VTV3, chị đã xin vào học nghề và làm việc.
Ban đầu, Linh rụt rè, thiếu tự tin, đi lại phải có người trợ giúp. Linh nghĩ mình không thể hòa nhập và làm việc tại đây. Nhưng với tình yêu thương, chia sẻ và sự tận tình của anh chị em đi trước ở Vụn Art, chị đã thay đổi, niềm vui đã trở lại bởi chị thấy mình không vô dụng khi vẫn có thể lao động, sáng tạo.
Trở thành một tay “thợ cứng”, chị tự tin giúp đỡ các bạn mới vào nghề, sẵn sàng làm những bức tranh khó, có thể đứng chia sẻ trước nhiều người mà không sợ, sẵn sàng đi hướng dẫn trải nghiệm ở nhiều nơi không một chút rụt rè, e ngại.
Hợp tác xã Vụn Art là mái nhà chung của những người khuyết tật vận động, câm điếc và tự kỷ
Không ai còn thấy Linh của những ngày đầu chập chững vào Vụn Art, giờ đây Linh là một cô gái tự tin, xinh đẹp khi có thể tự làm ra thu nhập để nuôi dạy con gái, đỡ đần bố mẹ già và không còn mặc cảm với khuyết tật của bản thân. Chị sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình và hướng dẫn khách tham quan triển lãm tự tay làm ra những bức tranh ghép vải độc đáo.
"Giống như những mảnh vải vụn được hồi sinh trên những bức tranh ghép vải, tôi thấy mình cũng được hồi sinh khi được làm việc tại Vụn Art. Cuộc đời của mỗi chúng tôi có thể chỉ là những mảnh vải nhỏ nhưng khi làm việc cùng nhau, chúng tôi có thể làm nên một bức tranh đẹp, có ích cho đời," chị Linh bày tỏ.
Chia sẻ về triển lãm, ông Đặng Minh Vệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc.
“Những mảnh lụa phế thải qua tay người thợ Vụn Art như được hồi sinh, trở nên sống động, khiến những bức tranh ghép vải trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc bản tuyệt đẹp,” ông Đặng Minh Vệ nhận định.
Triển lãm “Những mảnh vụn” kéo dài đến tháng 10.2023 tại Bảo tàng Hà Nội. Trong thời gian này, bảo tàng sẽ tổ chức workshop trải nghiệm làm tranh, làm quà lưu niệm bằng vải lụa vào dịp cuối tuần.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Cầu Long Biên
Khuê Văn Các
Một tác phẩm trong bộ tranh 12 con giáp
Hợp tác xã Vụn Art do anh Lê Việt Cường, người khuyết tật vận động, thành lập năm 2018, trụ sở tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Vụn Art ra đời với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật. Hướng đi của Vụn Art là tận dụng các nguyên liệu thừa, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển làng lụa truyền thống Vạn Phúc. |
Theo Vietnam+